Vẩy nến có biểu hiện ra sao?
Vẩy nến là một bệnh ngoài da thường gặp, chiếm khoảng 2% dân số. Việc hiểu biết rõ về bệnh để có giải pháp điều trị kịp thời sẽ giúp đẩy lùi vẩy nến hiệu quả.
Bệnh vẩy nến biểu hiện trên da bằng các mảng đỏ đóng vẩy trắng đục, có ranh giới rất rõ với vùng da lành bên cạnh, kích thước từ vài cm đến hàng chục cm (vẩy nến thể mảng) hoặc chỉ là các thương tổn màu đỏ, hơi gồ lên mặt da kích thước chừng vài mm, khá đồng đều (vẩy nến thể giọt). Trường hợp nặng, bệnh sẽ lan rộng ra toàn thân (vẩy nến thể toàn thân). Khi cạo, gãi thì vẩy bị rớt ra một cách dễ dàng giống như sáp nến hoặc có khi là mảng lớn. Các thương tổn này được phân bố đối xứng ở rìa chân tóc, da đầu (trông giống như gầu) ở những vùng tì đè như: cùi chỏ, đầu gối, vùng xương cụt, hoặc các nếp gấp.
Vẩy nến gây mất thẩm mỹ và ngứa với mức độ khác nhau. Trường hợp nặng, bệnh có thể gây sưng, đau và biến dạng các khớp làm giới hạn vận động. Người bệnh có thể bị nổi nhiều mụn mủ ở bàn tay, bàn chân hoặc rải rác khắp người. Lúc này bệnh nhân thường bị sốt, mệt mỏi, căng đau vùng da bị bệnh.
Việc điều trị vẩy nến phụ thuộc vào các thể bệnh, mức độ nặng nhẹ và diện tích thương tổn. Hiện có 3 giải pháp điều trị cơ bản là: dùng thuốc bôi tại chỗ, thuốc đường uống và quang hoá trị liệu. Các thuốc bôi tại chỗ có tác dụng làm mềm da, bong sừng, bạt vẩy như: acid salicylic, vitamin D3, vitamin A... Một số loại thuốc uống có tác dụng tốt cho bệnh vẩy nến như: methotrexate, cyclosporin... Đối với giải pháp quang hoá trị liệu, các phương pháp chiếu tia UVB (tia cực tím nhóm B), PUVA (tia cực tím nhóm A) cho hiệu quả cao, tuy nhiên chỉ nên áp dụng cho trường hợp nặng vì có khả năng dẫn đến ung thư da.
Thu Nga
(Theo Sức khỏe & Đời sống ngày 29/9/2011)
Bình luận