Ở Việt Nam, vẩy nến chiếm 3-5% tổng số bệnh nhân đến khám da liễu. Đây là bệnh tự miễn, thường kéo dài và hay tái phát nên việc điều trị vẫn còn nhiều khó khăn.

Đối với vẩy nến thể giọt, thể đồng tiền thường gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý của bệnh nhân trong mối quan hệ với gia đình và xã hội; các thể đỏ da, mụn mủ, viêm da thường kèm theo tổn thương nội tạng, nếu không được điều trị tích cực, đúng cách thì có thể gây tử vong.

Các nhà khoa học cho rằng, vẩy nến có nguyên nhân do sự rối loạn của hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, những yếu tố như nhiễm khuẩn, stress, rối loạn chuyển hóa, di truyền... là nguy cơ khiến bệnh khởi phát hoặc ngày càng nặng thêm.
Nhìn chung việc điều trị vẩy nến hiện nay còn nhiều khó khăn. Hầu như tất cả các loại thuốc, từ thuốc cổ điển (asen, bismut, vitamin...) đến hiện đại (kháng sinh, corticoid, methotrexat, cycloporin,...) đều đã được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, những thuốc này thường mang lại kết quả không bền vững, bệnh hay tái phát. Mặt khác, điều trị vẩy nến bằng tia PUVA (quang hóa trị liệu) hiệu quả đạt 80-90%, nhưng tỷ lệ tái phát lên tới 40% và có nguy cơ gây ung thư da.

 

Quốc Tuấn

(Theo Tin Tức ngày 24/8/2011)

Bình luận