Trẻ vị thành niên dễ bị trầm cảm, vì sao?
Trong suốt một thời gian dài, người ta vẫn tin rằng trầm cảm là bệnh chỉ xảy ra ở người lớn, nhưng khoảng 2 thập kỷ trở lại đây, khoa học đã nhìn nhận nghiêm túc rằng, trẻ em cũng có thể bị trầm cảm. Đặc biệt là trẻ ở tuổi vị thành niên.
Tuổi vị thành niên là quãng thời gian trẻ có những thay đổi sâu sắc về tâm lý và tính cách, do đó rất dễ bị tác động. Nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm ở trẻ vị thành niên thường do áp lực học hành, do cha mẹ thiếu quan tâm hoặc trẻ bị tổn thương bởi những biến cố xảy ra trong gia đình (người thân qua đời, quan hệ bố mẹ căng thẳng), trẻ bị khiếm khuyết cơ thể hay bị miệt thị, bỏ rơi.
Để nhận biết bệnh trầm cảm, chúng ta có thể căn cứ vào một số dấu hiệu ở trẻ vị thành niên như: Mất ngủ, buồn chán, ít nói, tuyệt vọng, không quan tâm đến các vấn đề xung quanh, cảm thấy suy sụp, có ý định tự sát (tùy từng trường hợp)… Đa phần, trẻ mắc bệnh luôn có cảm giác mình là người kém cỏi, là gánh nặng cho gia đình, muốn trốn tránh bạn bè, người thân, không thích giao tiếp hay tham gia các hoạt động cộng đồng.
Cha mẹ cần quan tâm đến con cái nhiều hơn (Ảnh minh họa)
Để tránh cho con mình rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực dẫn đến mắc bệnh trầm cảm, các bậc cha mẹ cần quan tâm toàn diện đến con cả về thể chất lẫn tinh thần, nhất là ở những giai đoạn con cái dễ bị tổn thương về tâm lý như khi thi cử căng thẳng hoặc trong gia đình có mâu thuẫn. Mỗi người cha, người mẹ cần hiểu biết rõ về các mối quan hệ của con, hãy là người bạn thân thiết, chia sẻ với trẻ những khó khăn trong cuộc sống. Tuyệt đối, không xúc phạm hay đánh con khi trẻ có lỗi, mà nên phân tích, răn dạy để trẻ hiểu và tự mình sửa đổi.
Trong trường hợp trẻ mắc bệnh trầm cảm, người nhà cần phát hiện sớm và đưa tới các cơ sở chuyên khoa thần kinh - tâm thần để được tư vấn, điều trị. Điều này sẽ góp phần tích cực trong việc nâng cao hiệu quả phục hồi tình trạng bệnh. Phương pháp điều trị trầm cảm phổ biến là kết hợp giữa việc dùng thuốc và liệu pháp tâm lý.
An Nguyên
Bình luận