Tổn thương dây thanh do sử dụng giọng nói quá mức
Cổ vũ, la hét, mải mê hát hò, vui vẻ với bạn bè, hoặc do yêu cầu công việc phải nói to, nói liên tục,... có thể làm dây thanh bị tổn thương, khiến bệnh nhân dễ bị khản tiếng, mất giọng.
Khi chúng ta lạm dụng giọng nói quá mức, dây thanh âm phải rung động, hoạt động căng hết biên độ khiến niêm mạc bị sung huyết, phù nề. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới viêm họng- viêm thanh quản mạn tính, gây khản tiếng, mất tiếng, khó khăn trong giao tiếp. Những người do đặc thù công việc thường xuyên phải sử dụng giọng nói làm công cụ lao động như: người dẫn chương trình, ca sĩ, giáo viên, người bán hàng, cổ động viên... đều dễ bị mắc viêm thanh quản.
Triệu chứng chính để chẩn đoán viêm thanh quản là khản tiếng hoặc mất tiếng. Khởi đầu một đợt viêm thanh quản cấp, người bệnh thấy nhức đầu, mệt mỏi, sổ mũi, sốt nhẹ; sau đó đau họng, có thể có ho, sau đó giọng nói bị khản, thậm chí mất tiếng. Viêm thanh quản cấp nếu không điều trị dứt điểm sẽ tái phát nhiều lần và chuyển sang giai đoạn mạn tính, thậm chí gặp những biến chứng như hạt xơ thanh quản, polyp dây thanh,...
Hiện nay, một số nhóm thuốc chống viêm corticoid (dexamethasone), kháng sinh, nhóm dung dịch chứa muối kiềm natri,... thường được áp dụng trong điều trị bệnh này. Tùy thể viêm thanh quản mà bác sĩ có chỉ định phù hợp cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh thường dễ tái phát. Bên cạnh đó, việc sử dụng các thuốc này kéo dài có thể gây nên một số tác dụng phụ đáng tiếc. Bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật khi xuất hiện hạt xơ dây thanh, u nang dây thanh,....
Bình luận