Hò hét quá mức, hút thuốc lá, nghiện rượu bia, sở thích uống nước đá, cổ vũ những trận bóng thâu đêm,... đều các nguyên nhân có thể dẫn đến khản tiếng, mất tiếng do viêm thanh quản. Để tìm lại sự trong sáng của giọng nói, người bệnh cần hạn chế những thói quen kể trên.

Bên cạnh các nguyên nhân trên, khản tiếng, mất tiếng cũng hay xảy ra ở những người thường xuyên phải nói nhiều, nói to, nói liên tục như giáo viên, ca sĩ, phát thanh viên, người dẫn chương trình, người bán hàng, diễn giả, những người làm việc lâu trong môi trường ô nhiễm, virus, vi khuẩn, nhiễm cúm. Ở các trường hợp này, dây thanh âm bị kích ứng quá mức gây tổn thương, viêm nhiễm.

Triệu chứng ban đầu của viêm thanh quản cấp là người bệnh thấy nhức đầu, mệt mỏi, sổ mũi, sốt nhẹ; sau đó đau họng, có thể có ho, giọng nói bị khản, thậm chí mất tiếng. Những triệu chứng này thường diễn biến trong vòng 5-7 ngày, riêng khản tiếng có thể còn kéo dài thêm vài ngày nữa. Nếu không điều trị dứt điểm, bệnh sẽ tái phát nhiều lần và chuyển sang giai đoạn mạn tính, thậm chí dẫn tới hạt xơ dây thanh, polyp dây thanh, u nang dây thanh,...

Để phòng ngừa viêm thanh quản, nếu vào mùa lạnh bệnh nhân cần mặc đủ ấm, đặc biệt, giữ ấm vùng mũi, họng, ngực. Trong mùa hè, không nên để điều hoà ở nhiệt độ quá thấp, thường xuyên mở cửa sổ nhằm lưu thông không khí. Đặc biệt, cần hạn chế các thói quen dễ gây viêm thanh quản như: uống nước đá, hút thuốc lá, nghiện rượu bia, hò hét quá mức.... Đồng thời, nên đeo khẩu trang ở những nơi môi trường ô nhiễm, nhiều hóa chất độc hại.

Lê Mai

Bình luận