Thoát vị đĩa đệm là gì?

Những đốt sống tạo thành cột sống ở sau lưng được chêm bởi những đĩa nhỏ gọi là đĩa đệm. Những đĩa này tròn và dẹt có vỏ ngoài dai để bao bọc một chất nhầy bén, trong được gọi là nhân. Bình thường những đĩa này chịu một áp lực do cột sống đè lên. Khi những đĩa này khoẻ mạnh, chúng có chức năng như một cái giảm sóc cho cột sống và làm cho cột sống mềm dẻo dễ uốn. Khi những đĩa đệm bị chấn thương, nó sẽ mòn, rách hoặc bị bệnh, chúng có thể phồng lên hoặc vỡ ra. Đó gọi là thoát vị đĩa đệm. Thoát vị đĩa đệm xảy ra bất kỳ phần nào của cột sống. Hơn 90% thoát vị đĩa đệm xảy ra ở cột sống thắt lưng. Những phần còn lại xảy ra ở cổ và rất ít ở cột sống ngực. Khi bị thoát vị đĩa đệm thường gây nên các cơn đau thắt lưng với các triệu chứng nhức, tê lan dọc từ thắt lưng xuống mông và chân, hay đau từ vùng cổ - gáy lan ra hai vai và xuống các cánh tay, bàn tay... khiến người bệnh rất khó chịu, đau đớn.

 

Triệu chứng:

Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh rất phổ biến và hay gặp ở lứa tuổi lao động từ 20 - 55 tuổi. Ngoài nguyên nhân do thoái hoá tự nhiên, do bị tai nạn, thì thoát vị đĩa đệm phần nhiều là do tư thế lao động, tư thế ngồi, mang vác nặng... Hay gặp nhất là việc bê vác vật nặng. Thay vì ngồi xuống bê vật rồi từ từ đứng lên, nhiều người có thói quen đứng rồi cúi xuống, nhấc vật nặng lên. Việc mang vác nặng sai tư thế này dễ gây chấn thương đốt sống lưng, thoát vị đĩa đệm. Các triệu chứng của bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống có thể xuất hiện ngay sau chấn thương hoặc vài tháng, thậm chí vài năm sau đó.

- Đau: đau là dấu hiệu lúc nào cũng có và xuất hiện đầu tiên nhất, đau có thể từ cột sống cổ xuống hai tay hoặc đau từ cột sống thắt lưng xuống hai chi dưới, đau giống như kéo căng một sợi dây, đau liên tục khi đứng khi đi có thể giảm khi nằm nghỉ nhưng không bớt hẳn, đau không giảm khi uống thuốc.

- Tê bì: cảm giác tê bì có thể có hoặc không thường xuất hiện sau đau.

- Teo cơ, yếu liệt: thường xuất hiện muộn nhất sau một thời gian khá dài có thể nhận thấy một tay, một chân hay hai tay hai chân teo nhỏ làm đi lại khó khăn, lâu hơn nữa có thể sẽ không đi lại được.

Điều trị thoát vị đĩa đệm: Nếu bị thoát vị đĩa đệm mà chưa bị chèn ép rễ thần kinh, dùng thuốc giảm đau hoặc tiêm corticoid tại chỗ và tập vật lý trị liệu theo chỉ dẫn của bác sỹ. Sau thời gian điều trị bảo tồn mà không mang lại kết quả, bác sĩ sẽ tư vấn nên tiến hành các liệu pháp can thiệp ngoại khoa tối thiểu, thậm chí kể cả mổ hở. Đặc biệt, hiện nay người bệnh có thể được mổ thoát vị đĩa đệm ít xâm lấn bằng cách: Sau khi rạch một đường nhỏ 1cm, bác sĩ sẽ đưa hai ống cáp quang vào làm tăng sáng và nhân rộng hình ảnh vùng mổ, giúp phẫu thuật viên tránh làm tổn thương khu vực xung quanh, lấy nhân thoát vị một cách dễ dàng vẫn giúp bệnh nhân giữ được độ vững cột sống, tránh được khả năng tái phát hơn hẳn so với mổ thông thường.

                                                                                                            Bác sĩ Phạm Văn Định

Bình luận