Tùy theo tính chất tổn thương, vị trí, biến chứng cũng như mức độ ảnh hưởng tới khả năng vận động, lao động và sinh hoạt của người bệnh thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ) mà bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng biện pháp điều trị bảo tồn hoặc can thiệp phẫu thuật.


Nhờ tính chất đàn hồi nên đĩa đệm làm nhiệm vụ như một bộ phận giảm xóc, giúp cho cột sống thực hiện chức năng vận động của mình (cúi, ngửa, nghiêng, xoay,...). Khi vòng sợi bao quanh bị rách, biến dạng, méo mó, nhân nhầy thoát ra khỏi vị trí trung tâm giữa hai đốt sống, gây chèn ép các rễ thần kinh gọi là TVĐĐ.


Những nguyên nhân gây TVĐĐ cột sống bao gồm: chấn thương cột sống, tư thế xấu trong lao động, thoái hóa xương khớp do tuổi tác... Tùy theo vị trí đĩa đệm thoát vị có thể xuất hiện các triệu chứng khác nhau. TVĐĐ ở vùng cột sống thắt lưng (chiếm 80%), gây đau cấp hoặc mạn tính, đau thần kinh tọa một hay cả hai bên, đau thần kinh đùi bì. Còn TVĐĐ cột sống cổ gây đau cổ, vai gáy, cánh tay (hội chứng cổ - vai - cánh tay). Trường hợp nặng chèn ép vào tủy sống gây yếu cánh tay hoặc liệt tứ chi....


Một số thuốc được sử dụng trong điều trị TVĐĐ bao gồm: thuốc giảm đau đơn thuần paracetamol; giảm đau chống viêm không steroid (diclofenac, meloxicam...)... Tuy nhiên, cần lưu ý, các thuốc trên dùng đường toàn thân có thể ảnh hưởng tới dạ dày, chức năng gan, thận... Bên cạnh đó, phương pháp vật lý trị liệu thường được áp dụng như: xoa bóp, tắm suối khoáng, đắp bùn, chiếu đèn hồng ngoại, sóng ngắn, điện phân; chiếu tia lazer, sóng radio; các biện pháp khác như: tác động cột sống, kéo dãn, mặc áo nẹp cột sống...

Mai Phương

(Theo Sức khỏe và đời sống- Ngày 13/12/2011)

Bình luận