Thoái hóa khớp ở người trẻ tuổi
Thông thường, thoái hóa khớp (THK) hay đi kèm với tuổi tác, nhưng thực tế, không ít người trẻ cũng gặp những phiền toái do thoái hóa khớp bởi các nguyên nhân như chấn thương, chế độ dinh dưỡng, bẩm sinh...
Vì sao người trẻ cũng THK
THK là một bệnh xương khớp mạn tính do thoái hóa sụn khớp, đĩa đệm và những thay đổi xương dưới sụn, màng hoạt dịch. Bệnh thường gặp ở cột sống thắt lưng, cột sống cổ, khớp gối... Khi bị THK, bệnh nhân có cảm giác đau âm ỉ, đau nặng khi vận động, thay đổi tư thế, mang vác nặng, hoặc khi mệt mỏi, căng thẳng, thay đổi thời tiết. Cơn đau diễn biến thành từng đợt, mức độ đau tăng dần. Triệu chứng đau có thể lan đến các vị trí khác nếu chèn ép rễ và dây thần kinh.
THK gây đau và làm hạn chế vận động, lâu ngày có thể dẫn đến biến dạng khớp do mọc gai xương, do lệch trục hoặc thoát vị màng hoạt dịch.
Ở người trẻ, nguyên nhân gây THK thường mang tính chất cơ giới như: các dị dạng bẩm sinh, biến dạng sau chấn thương, tăng cân quá mức, béo phì, ít vận động... Đau khu trú ở một vài vị trí và tiến triển nhanh. Ngoài ra, những người bị một số bệnh lý khác như: đái tháo đường, tăng huyết áp... cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc THK.
Điều trị như thế nào
Hiện nay, chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn THK, mà chỉ dừng lại ở giảm triệu chứng và cải thiện chức năng vận động. Bệnh nhân có thể được áp dụng phương pháp điều trị không dùng thuốc (chườm nóng, chiếu đèn hồng ngoại, dùng máy phát sóng ngắn hay siêu âm, xung điện giảm đau). Nếu các biện pháp này không hiệu quả, bác sĩ sẽ kê một số thuốc có tác dụng kháng viêm, giảm đau hoặc thuốc chống thoái hóa khớp tác dụng chậm. Tuy nhiên, các thuốc này có thể gây phản ứng phụ nên bệnh nhân cần lưu ý khi dùng. Nếu tổn thương nặng, mất khả năng vận động, bệnh nhân có thể được phẫu thuật thay khớp theo chỉ định của bác sĩ.
Mai Phương
(Theo Sức khỏe và đời sống- Ngày 1/10/2011)
Bình luận