Nếu như thoái hóa xương khớp ở người cao tuổi là một quá trình tự nhiên và được quan tâm điều trị thì ở người trẻ tuổi lại thường dễ dàng bị bỏ qua. Ngày càng nhiều trường hợp trong độ tuổi lao động bị thoái hóa khớp (THK) háng do những thói quen có hại và ảnh hưởng từ bệnh lý mạn tính khác.

THK thường gặp ở cột sống thắt lưng, cột sống cổ, khớp gối... và THK háng là loại hay gặp ở người trẻ, thường xuất hiện trước 40 tuổi với tỷ lệ ngày càng tăng cao. Nguyên nhân của THK háng là do cấu tạo bất thường của khớp háng và chi dưới như: trật khớp háng bẩm sinh chỏm khớp dẹt; hoặc do di chứng của các bệnh khớp háng như: chấn thương, vi chấn thương, các bệnh máu, hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi, đái tháo đường, béo phì... THK háng gây đau từ từ hoặc tăng dần, đau ở vùng bẹn- lan xuống trước đùi, đau ở vùng trên mông- lan xuống mặt sau đùi. Đau tăng khi đứng, đi lại nhiều, thay đổi tư thế, thay đổi thời tiết, giảm đau khi nghỉ ngơi. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân khó làm một số động tác như: ngồi xổm, lên xe đạp, trèo lên ghế, ngồi kiểu cưỡi ngựa... Đến giai đoạn sau, mức độ đau tăng dần, bệnh nhân đi lại khó khăn và có thể phải chống gậy; THK háng có thể gây teo cơ ở mông và đùi, hẹp khe khớp, mọc gai xương, biến dạng khớp...


Trong điều trị nội khoa, bác sĩ thường chỉ định các loại thuốc nhằm tăng cường lưu lượng máu nuôi chỏm xương đùi để hạn chế quá trình THK háng. Can thiệp ngoại khoa, thậm chí phải thay khớp háng nhân tạo được áp dụng khi các biện pháp nội khoa không còn hiệu quả.

 

Vân Hà

(Theo Phụ nữ Việt Nam- Ngày 10/8/2011)

 

 

Bình luận