Thoái hóa khớp là tình trạng hư hỏng phần sụn đệm, kèm theo phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch nhầy giúp bôi trơn ma sát ở điểm nối giữa hai đầu xương. Thoái hóa khớp ảnh hưởng nặng nề đến sinh hoạt của người bệnh do gây đau, cứng khớp, hạn chế vận động...


Nhiều nghiên cứu cho thấy, trong quá trình lão hóa, chức năng chống đỡ của sụn bị suy giảm và dễ hư hỏng khi khớp cử động. Thêm vào đó, các chấn thương nhẹ nhưng kéo dài nhiều năm do khuân vác đồ nặng cũng làm tăng trọng tải cho khớp, khiến sự thoái hóa thêm trầm trọng. Ngoài ra, yếu tố di truyền và di chứng từ các bệnh lý khác cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Thậm chí thừa cân, béo phì hay ăn uống thiếu chất dinh dưỡng cũng khiến chất lượng sụn khớp bị ảnh hưởng.


Người bị thoái hóa khớp thường phải chịu đựng những cơn đau âm ỉ, đặc biệt, đau tăng lên khi vận động như lên xuống cầu thang... Thoái hóa khớp tiến triển thầm lặng cho đến khi có mức độ tổn thương nhất định của sụn khớp thì mới xuất hiện các triệu chứng như: đau khớp, cứng khớp, tràn dịch ổ khớp, biến dạng khớp, dính khớp, teo cơ quanh khớp, gây khó khăn trong lao động, sinh hoạt, giảm chất lượng cuộc sống, thậm chí tàn phế.


Khi xuất hiện các dấu hiệu của thoái hóa khớp, bệnh nhân thường được điều trị bằng cách dùng thuốc, kết hợp với phục hồi chức năng và điều chỉnh trọng lượng cơ thể, tư thế làm việc để giảm tải cho khớp. Trường hợp nặng, có thể tiêm thuốc giảm đau chống viêm và thuốc bổ sung dịch khớp. Nếu các biện pháp trên không đạt kết quả thì có thể phải điều trị bằng phẫu thuật như: ghép sụn, sửa trục chi, thay khớp.

Hằng Phương

(Theo Khoa học và đời sống- Ngày 29/11/2011)

Bình luận