Thoái hóa khớp (THK) là tình trạng lão hóa của khớp, vì vậy, không thể chữa khỏi được hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu điều trị tích cực, có thể làm chậm quá trình thoái hóa, cải thiện triệu chứng, từ đó giúp người bệnh có cuộc sống gần như bình thường.

Bao bọc lấy đầu xương là một lớp sụn, giúp cho khớp trơn tru, dễ dàng trong vận động, chịu được sức nén. Do lão hóa, lớp sụn này bị mài mòn, phồng rộp, mất dần khả năng tái tạo, ngày càng mỏng và bị nứt nẻ... để trơ lại lớp xương ở bên dưới. Người ta gọi tình trạng này là THK.

THK thường xảy ra ở các khớp chịu lực như cột sống, khớp gối, khớp háng và các khớp cổ tay, cổ chân, khớp khuỷu tay, khớp vai... Bên cạnh nguyên nhân tuổi tác thì THK còn xảy ra do béo phì, chấn thương, dị dạng khớp bẩm sinh... THK là một tất yếu của quá trình lão hóa nên không có thuốc chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể làm chậm lại quá trình thoái hóa bằng tập luyện, vận động đúng mức với tình trạng sức khỏe, kết hợp các biện pháp giảm triệu chứng, tăng cường dinh dưỡng sụn khớp.

Với trường hợp THK còn nhẹ, bệnh nhân có thể sử dụng các phương pháp châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, chườm ngải cứu, đắp bùn nóng... sẽ có tác dụng giảm đau hiệu quả. Khi THK ảnh hưởng đến vận động, việc dùng thuốc trong điều trị THK là điều bắt buộc. Các thuốc thường dùng là nhóm giảm đau chống viêm không steroid, corticoid, thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm. Tuy nhiên, các thuốc này chỉ giảm triệu chứng tạm thời, bệnh dễ tái phát và khi sử dụng lâu dài có thể gây nhiều tác dụng không mong muốn như loét dạ dày tá tràng, độc với gan, thận, loãng xương, xốp xương,... Một số thuốc dinh dưỡng sụn khớp giúp tăng cường tái tạo sụn, ức chế các men phá hủy sụn... Tuy nhiên, để phát huy hết tác dụng thì sẽ mất thời gian rất dài và hiệu quả điều trị không cao.

 

Hoàng Mai
(Theo Pháp luật và cuộc sống - Ngày 10/6/2011)

 

Bình luận