Những khó chịu từ vẩy nến là nguyên nhân khiến người bệnh căng thẳng, lo âu. Và ngược lại, mệt mỏi, suy nghĩ nhiều cũng làm cho vẩy nến nặng thêm.

Bệnh vẩy liên quan đến rối loạn miễn dịch và yếu tố di truyền với tổn thương là các mảng đỏ kích thước khác nhau, đóng vẩy khô dày, trắng đục, vẩy bong tróc giống như sáp nến, xuất hiện nhiều ở vùng rìa chân tóc, da đầu, khuỷu tay, gối, hông, lưng..., có khi lan ra toàn cơ thể.

Bệnh vẩy nến ít nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó lại gây mất thẩm mỹ, khiến bệnh nhân khó chịu, căng thẳng, đồng thời, chính sự căng thẳng đó cũng làm gia tăng mức độ nặng và sự tái phát của bệnh. Các nghiên cứu tại một số cơ sở điều trị cho thấy, có tới trên 50% số đợt khởi phát vẩy nến liên quan đến yếu tố stress. Đặc biệt, những bệnh nhân thường xuyên lo lắng sẽ đáp ứng rất chậm đối với một số liệu pháp điều trị.

Về điều trị bệnh vẩy nến, các thuốc uống thường là thuốc giảm triệu chứng ngứa, đỏ, lo âu... Thuốc đặc trị được chỉ định cho các trường hợp nặng như: vẩy nến thể khớp, thể mủ, thể đỏ da toàn thân... Quang hoá liệu pháp được dùng cho bệnh nhân vẩy nến dai dẳng, tuy nhiên có thể tiềm ẩn khả năng gây ung thư da.


Vân Hà

(Theo Phụ nữ Việt Nam, ngày 3/10/2011)

 

Bình luận