Theo GS.TS Nguyễn Văn Thông - Giám đốc trung tâm Đột quỵ não, bệnh viện TƯ Quân đội 108, thoái hóa cột sống (THCS) thường xảy ra tại đốt sống cổ và thắt lưng. Bệnh gây đau, hạn chế vận động, thậm chí có thể dẫn đến tàn phế.

Cột sống là khung đỡ của toàn bộ cơ thể, gồm 33 đốt sống. Trong đó, đốt sống cổ và đốt sống thắt lưng rất linh hoạt, giúp con người thực hiện các động tác như: cúi, ngửa, nghiêng, xoay, gấp... Hơn nữa, hai đốt sống này thường xuyên gánh trọng tải lớn: đốt sống cổ gánh trọng tải của đầu, đốt sống thắt lưng mang trọng lượng toàn bộ nửa trên cơ thể. Theo nghiên cứu cho thấy: tác động lên đốt sống cổ là 7,5 kg lực/cm2 . Đối với đốt sống thắt lưng: khi chúng ta nằm thì có 15kg lực tác động lên 1cm2; khi chúng ta đi lại, ngồi tương ứng là 80kg lực/cm2 và 160kg lực/cm2; lúc cúi xuống bê vật nặng 20kg thì trọng tải lên 1 cm2 đốt sống là 200 - 220kg lực. Bên cạnh đó, những chấn thương do tai nạn, mang vác nặng,... cũng ảnh hưởng tới đốt sống cổ và lưng, làm tăng nguy cơ bị thoái hóa.

Khi bị THCS, người bệnh thường có biểu hiện chính là đau âm ỉ tại vùng thoái hóa. Cơn đau tăng khi vận động và giảm lúc nghỉ ngơi, lan tỏa ra vùng xung quanh (từ gáy xuống bả vai, vùng hông, lưng, hai chi dưới...). Bước vào giai đoạn nặng, bệnh gây đau kéo dài, liên tục và dẫn tới mọc gai xương, vẹo cột sống, hẹp ống sống,...

Điều trị THCS cần kết hợp: điều trị các triệu chứng và loại bỏ nguyên nhân gây bệnh (mang vác vật nặng, sai tư thế...). Về thuốc, bác sĩ thường dùng cho bệnh nhân thuốc chống viêm, giảm đau, thuốc dãn cơ, nhưng chúng có thể gây độc với gan thận, loét đường tiêu hóa,... Bên cạnh đó, bệnh nhân cần nghỉ ngơi kết hợp xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu,... để cải thiện vận động.


Quốc Tuấn

Bình luận