Gút là bệnh rối loạn chuyển hóa, biểu hiện bằng các đợt viêm khớp cấp tính và lắng đọng natri urat trong các tổ chức khớp do tăng axit uric máu. Khi bệnh nặng, có thể xuất hiện hàng loạt biến chứng như: viêm khớp cấp, sỏi thận, suy thận,... Bệnh thường khởi phát ở ngón chân cái vào ban đêm - Tại sao như vậy?

Gút thường khởi đầu đột ngột về đêm bằng cơn gút cấp với việc viêm và sưng đau các khớp chân, tay. Biểu hiện đặc trưng là sưng, nóng, đỏ, phù nề, căng bóng, đau rất khủng khiếp đến nỗi không thể chạm nhẹ vào chỗ đau. Cơn gút cấp có thể lui dần và khỏi trong vài ngày đến vài tuần. Nếu không chữa trị, trong giai đoạn sau, các cơn đau gây tổn thương nhiều khớp, mất vận động và hình thành cục tophi.

Khớp ngón chân cái là vị trí thường gặp nhất trong cơn gút cấp với tỷ lệ khoảng 70%. Nhiều nghiên cứu cho thấy, vào 2 đến 3 giờ sáng, ngón chân cái là nơi có nhiệt độ xuống thấp nhất cơ thể - khi đó, muối urat dễ kết tủa ở ngón chân cái, chính vì thế, cơn gút cấp thường nặng ở vị trí này vào ban đêm. Những khớp khác cũng bị ảnh hưởng bao gồm cổ chân, đầu gối, cổ tay, ngón tay,...

Các thuốc thường dùng điều trị bệnh gút hiện nay là colchicin, allopurinol, các thuốc chống viêm không steroid... Có 3 khó khăn chính khi điều trị bệnh gút. Đầu tiên là tác dụng phụ của một số thuốc chữa bệnh gút như: colchicin có thể gây tiêu chảy, allopurinol gây dị ứng, các thuốc tăng thải axit uric gây sỏi thận. Thứ hai là cơ địa dị ứng thuốc của bệnh nhân, một số trường hợp xảy ra sốc phản vệ, có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Thứ ba là do sự thiếu tuân thủ điều trị của người bệnh. Bệnh nhân gút thường chỉ dùng thuốc trong đợt cấp rồi bỏ thuốc, dẫn đến bệnh tiến triển nặng dần.

 

Hà Thanh

Bình luận