Vẩy nến là bệnh tự miễn, xảy ra do rối loạn hệ miễn dịch của cơ thể, tuy nhiên, cũng có một số yếu tố nguy cơ khiến bệnh tái phát và nặng thêm.

Vẩy nến có biểu hiện trên da bằng các mảng đỏ, giới hạn rõ với vùng da lành và đóng vẩy trắng đục như sáp nến, thường xuất hiện ở rìa chân tóc, da đầu, móng tay, móng chân, vùng nếp gấp, tì đè,... Những mảng này có thể gây ngứa, đau, đôi khi bị nứt và chảy máu.

Một số tác nhân có thể làm cho bệnh nặng hơn hoặc tái phát, bao gồm:

- Tâm lý: Bệnh nhân vẩy nến thường có tâm lý căng thẳng, lo âu, mất tự tin. Chính điều này làm bệnh tái phát và nặng thêm.
- Tổn thương da: Ở một số người mắc bệnh vẩy nến, tổn thương da như bầm tím, bỏng, u bướu, tiêm chủng,... có thể làm cho vẩy nến xuất hiện ở chính vị trí bị tổn thương.
- Các bệnh nhiễm trùng như viêm họng, viêm amiđan,... có thể làm cho cơ thể suy yếu, tạo điều kiện cho vẩy nến tiến triển.
- Thời tiết khô và lạnh làm da bệnh nhân khô hơn, tạo cơ hội cho vẩy nến tái phát.
- Sử dụng chất có cồn (rượu), hút thuốc, các thực phẩm cay nóng, nhiều chất béo cũng là nguyên nhân khiến bệnh tái phát và ngày càng nặng hơn.

Việc điều trị vẩy nến thường chú trọng làm lành tổn thương da và ngăn bệnh tái phát, giảm biến chứng. Các biện pháp thường được áp dụng là dùng thuốc hoặc quang hóa trị liệu. Cụ thể, thuốc bôi giúp lột sừng như axit salicylic, thuốc uống ức chế miễn dịch (methotrexate, cyclosporine,...). Tuy nhiên, các thuốc này có thể gây ảnh hưởng đến chức năng gan, thận, bệnh dễ tái phát khi ngừng thuốc. Quang hoá liệu pháp được áp dụng cho bệnh nhân mắc vẩy nến nặng (thể đỏ da toàn thân), phương pháp này tuy khá hiệu quả nhưng sau khi điều trị có nguy cơ dẫn đến ung thư da. Vì vậy, việc lựa chọn phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả là rất quan trọng đối với bệnh nhân vẩy nến.


Thanh Bình

Bình luận