Suy thận mạn giai đoạn đầu: Khó phát hiện
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận mạn như: 40% do đái tháo đường, 30% do tăng huyết áp, 10% do viêm cầu thận, còn lại là một số nguyên nhân khác như: sỏi thận, lupus ban đỏ, hội chứng alport, thận bẩm sinh, suy tim,... Suy thận mạn cũng có thể là hậu quả của việc dùng trong thời gian dài thuốc gây độc tính cao với thận như một số nhóm thuốc chống viêm, kháng sinh...
Suy thận mạn tính được chia làm nhiều giai đoạn từ nhẹ đến nặng dựa trên mức lọc cầu thận. Ở giai đoạn đầu của suy thận mạn (độ I, II), các biểu hiện thường không rõ ràng như: thiếu máu nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, tức 2 bên hố lưng... bệnh nhân thường không biết là mình đã bị suy thận. Các biểu hiện lâm sàng chỉ bắt đầu xuất hiện rõ vào giai đoạn III, khi chức năng thận đã giảm đáng kể. Đến giai đoạn này, bệnh nhân thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, thậm chí buồn nôn, nôn (do thiếu máu và tích lũy chất cặn bã trong cơ thể), phù (chân, xung quanh mắt), da xanh, đau đầu, tăng huyết áp, tăng kali máu, giảm erythropoietin, nhiễm nitơ và urê máu, đi tiểu thường xuyên (đặc biệt là về đêm), xét nghiệm thấy tăng creatinin huyết, protein niệu...
Quá trình điều trị cần kết hợp phương pháp điều trị bảo tồn (dùng thuốc, chế độ ăn uống hợp lý) với điều trị thay thế thận... Phương pháp lọc máu ngoài thận (chạy thận nhân tạo, lọc ngoài màng bụng) hoặc ghép thận được chỉ định cho bệnh nhân giai đoạn cuối khi mức lọc cầu thận xuống dưới 15 ml/phút.
Mai Phương
(Theo Sức khỏe và đời sống- Ngày 4/8/2011)
Bình luận