Xơ cứng tai thường gây ra tình trạng nghe kém, ù tai. Bệnh thường tiến triển chậm nên khi người bệnh phát hiện thì đã muộn, dẫn tới thính lực bị suy giảm trầm trọng mới điều trị. Do đó, chủ động bảo vệ tai là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh.

Xơ cứng tai là một quá trình thay đổi bất thường của xương gần tai giữa, bao gồm hai giai đoạn: xốp xương và xơ cứng. Thông thường, âm thanh từ màng nhĩ được chuyển đi đầy đủ qua chuỗi xương trong tai giữa. Tuy nhiên, khi bị xơ cứng tai, một phần âm thanh sẽ không được truyền qua chuỗi xương này và không đến được tai trong. Ban đầu, các mô xương bị xốp, thường biểu hiện với tình trạng nghe kém, ù tai. Theo thời gian, sự lắng đọng bù đắp chất xương đã mất đi làm cho xương ngày càng trở nên xơ cứng. Bệnh thường khởi đầu ở một tai nhưng sau đó sẽ ảnh hưởng lên cả hai tai. Nếu không sớm phát hiện và có biện pháp điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ bị suy giảm thính lực vĩnh viễn.­­­

 

Xơ cứng tai gây ảnh hưởng đến việc truyền tải âm thanh đến tai trong (Ảnh minh họa).

Theo nhiều nghiên cứu, xơ cứng tai là bệnh có tính di truyền. Hiện nay, có khoảng 0,5% dân số mắc phải và hơn 10% dân số có thể bị các tổn thương xơ cứng tai ở xương thái dương. Nữ giới bị bệnh này nhiều hơn nam gấp 2 lần, xuất hiện rõ hơn trong chu kỳ kinh nguyệt, lúc có thai, cho con bú. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, tình trạng xơ cứng tai dễ xảy ra hơn với nhiều nguyên nhân như: ô nhiễm tiếng ồn, thói quen nghe nhạc, sự lão hóa, sử dụng một số loại thuốc độc­­­­ với tai, chấn thương đầu,...

Xơ cứng tai thường xảy ra từ từ và không chỉ ở tai bị ảnh hưởng mà ở cả vùng xương thái dương, nhất là cơ quan tiền đình, làm cho bệnh nhân bị chứng ù tai, suy giảm thính lực. Cho tới vài năm sau, khi một bên tai nghe kém và dần dần xuất hiện ở hai bên, bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng tới giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày, khó tiếp xúc với người xung quanh. Khi đó, bệnh nhân sẽ trở nên chán nản, bất mãn, xa lánh bạn bè và người thân vì cho rằng không ai hiểu nỗi khổ của họ.

 

Ảnh minh họa.

Trong điều trị, các bác sĩ thường căn cứ vào tình hình và mức độ của bệnh nhân để có cách giải quyết phù hợp. Phẫu thuật là phương pháp mang lại hiệu quả cao nhất cho bệnh nhân bị xơ cứng tai, tuy nhiên chi phí để thực hiện không hề rẻ, chưa kể đến việc bệnh có thể tái phát. Việc điều trị nội khoa bằng thuốc Tây y cũng là giải pháp khá phổ biến, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa cao và có nhiều tác dụng phụ.

 Đức Huân

Bình luận