Suy giảm thính lực do ngộ độc thuốc
Trong quá trình sử dụng thuốc điều trị, hầu hết người bệnh đều không biết tác dụng phụ của một số loại dược phẩm gây hại cho thính lực đôi tai. Đối với những trường hợp đã bị vấn đề thính lực thì việc dùng thuốc không đúng cách có thể làm tình trạng này thêm trầm trọng, nguy hiểm hơn là mất thính lực vĩnh viễn.
Theo các nghiên cứu, có trên 200 loại dược phẩm gây ảnh hưởng lên thính lực, thường gặp nhất là thuốc kháng sinh và thuốc điều trị ung thư, tim mạch… Những tác động âm thầm khi sử dụng thuốc có hại với tai khiến cho nhiều người không biết nguyên nhân vì sao mà mình bỗng nhiên bị suy giảm thính lực.
Mức độ suy giảm thính lực được xác định dựa vào liều lượng và thời gian mà bệnh nhân sử dụng những dược phẩm gây ảnh hưởng đến thính lực. Suy giảm thính lực do tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra vài tuần, thậm chí vài tháng sau khi ngưng sử dụng. Thông thường, người bệnh sẽ không phát hiện ra những thay đổi về khả năng nghe ở giai đoạn đầu. Triệu chứng điển hình của việc suy giảm thính lực do dùng thuốc là ù một bên hoặc cả hai tai. Tuy nhiên, cũng có trường hợp sử dụng thuốc gây suy giảm thính lực nhưng không ù tai mà bệnh nhân thấy biểu hiện như: chóng mặt, buồn nôn, mất thăng bằng khi đi hoặc đứng, nghe kém... Nếu cứ âm thầm chịu đựng thì quá trình mất thính lực càng trở nên nghiêm trọng hơn và người bệnh chỉ có thể phát hiện khi không còn nghe rõ được.
Có nhiều thuốc làm suy giảm thính lực, gây điếc, nhưng phổ biến nhất là các thuốc kháng sinh thuộc nhóm aminoglycosid và thuốc chống viêm.
Kháng sinh nhóm aminoglycosid dùng để trị nhiễm khuẩn, bao gồm: neomycin là kháng sinh gây hại cho tai nhất, đặc biệt khi dùng qua đường uống với liều cao để diệt khuẩn đường ruột; streptomycin thường gây tổn hại bộ phận tiền đình, dẫn đến chóng mặt, mất thăng bằng, dùng lâu dài có thể gây điếc vĩnh viễn; ngoài ra còn có gentamycin, cũng gây độc cho tai như streptomycin nhưng nhẹ hơn. Nhóm kháng sinh này có giá thành thấp nên thường được sử dụng ở vùng hẻo lánh hoặc những nước chậm phát triển. Tại Trung Quốc, hơn một nửa những trường hợp mất thính lực nghiêm trọng được xác định là do sử dụng các thuốc kháng sinh nhóm aminoglycosid.
Các thuốc chống viêm salicylat như aspirin khi sử dụng liều cao trong những trường hợp đau khớp, có thể gây giảm thính lực với triệu chứng ù tai. Sự mất thính lực bởi các thuốc salicylat sẽ được cải thiện trong vòng 48 đến 72 giờ sau khi ngưng sử dụng. Ngoài ra, một số loại như nhóm thuốc lợi tiểu, thuốc trị sốt rét, thuốc chống ung thư cũng có thể gây suy giảm thính lực.
Minh Ngọc
Bình luận