Gút là bệnh viêm khớp mạn tính, gây đau đớn cho người bệnh và thường xuyên tái phát nên cần có phương pháp điều trị thích hợp, kịp thời.


Những người mắc gút đa phần là nam giới (95%) và phổ biến ở độ tuổi ngoài 40. Nguyên nhân là do ăn uống quá thừa chất dinh dưỡng. Bệnh này dễ xuất hiện ở những người thừa trọng lượng cơ thể, nghiện rượu, bia. Theo thống kê, ở Việt Nam có tới 75% bệnh nhân mắc gút do uống rượu bia thường xuyên trong 7 - 10 năm. Ngoài ra, bệnh gút còn liên quan đến yếu tố di truyền.


Triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân gút là sưng tấy, đỏ phù nề, căng bóng, đau nhức dữ dội ở khớp ngón chân cái, mắt cá chân, bàn chân, đầu gối, cổ tay, khuỷu tay và khớp nhỏ của bàn tay. Hầu hết bệnh nhân có cơn đau tái phát trong vòng một vài năm. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, trong giai đoạn sau, các cơn đau cấp sẽ diễn ra thường xuyên hơn, gây tổn thương nhiều khớp, lâu dần có thể gây biến dạng khớp, mất vận động. Các tinh thể urat lắng đọng ở mô mềm quanh khớp hoặc trong những tổ chức khác dưới dạng hạt tophi cũng gây nhiều nguy hiểm cho bệnh nhân, nếu vỡ loét có thể gây nhiễm trùng, hoại tử.


Về điều trị, bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân dùng các thuốc giảm đau chống viêm không steroid, colchicin, thuốc làm giảm nồng độ axit uric trong máu như: allopurinol, probenecid... Những thuốc này giúp giảm đau, giảm viêm nhanh, nhưng có thể gây cho bệnh nhân một số tác dụng phụ như: rối loạn tiêu hóa, giảm bạch cầu trung tính, độc với gan thận, cơ quan tạo máu, loét đường tiêu hóa, tăng huyết áp, sỏi thận, suy thận cùng nhiều biến chứng khác nếu sử dụng lâu dài.

Thu Nga

(Theo Sức khỏe và đời sống- Ngày 15/10/2011)

Bình luận