Phục hồi chức năng sau đột quỵ
Đột quỵ não (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) thường gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với bệnh nhân như: liệt, nói ngọng, méo miệng, thậm chí tử vong. Do vậy, việc phục hồi chức năng sau đột quỵ não có vai trò rất lớn, giúp bệnh nhân trở về với cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày.
Tỷ lệ di chứng nặng còn cao
Bệnh đột quỵ não gồm hai thể chính là chảy máu não và nhồi máu não (thiếu máu não cục bộ). Chảy máu não xảy ra khi mạch máu bị vỡ, máu chảy vào nhu mô não, não thất hoặc khoang dưới nhện. Nhồi máu não xuất phát từ việc giảm đột ngột lượng máu đến não, có thể tắc nghẽn hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn mạch máu do cục máu đông, khiến tế bào não không được nuôi dưỡng, làm giảm oxy...
Đột quỵ não có thể để lại di chứng như: liệt một bên tay, chân, nửa người (90%), nói ngọng, nói khó, không thể nhận biết được bản thân và người xung quanh. Điều đáng nói là hiện nay, số bệnh nhân phải nhờ đến sự chăm sóc hoàn toàn sau đột quỵ ở nước ta vẫn còn rất cao, chiếm 10-25% tổng số ca đột quỵ.
Điều trị phục hồi như thế nào?
Điều trị phục hồi sau đột quỵ là vô cùng quan trọng để giảm gánh nặng cho gia đình, ngành y tế và xã hội, giúp người bệnh tự chủ trong cuộc sống. Trước tiên, cần điều trị phục hồi vùng tế bào não bị tổn thương bằng thuốc. Sau đó, tiến hành nhanh chóng các phương pháp phục hồi chức năng, tùy theo mức độ bệnh. Mục đích là để phòng tránh các biến chứng như: loét các vị trí tỳ đè, viêm phổi - phế quản, viêm đường tiết niệu do nằm lâu một tư thế, tránh cứng khớp, biến dạng khớp, teo cơ, đau ở các khớp, trong lòng mạch hình thành các cục máu đông. Bên cạnh đó, cần kết hợp với chế độ ăn uống, châm cứu, bấm huyệt và xoa bóp giúp lưu thông khí huyết, kích thích ngược hệ thần kinh, góp phần phục hồi các di chứng sau đột quỵ.
Mai Phương
(Theo Sức khỏe và đời sống- Ngày 3/11/2011)
Bình luận