Thử nghiệm của Mỹ về vacxin phòng ung thư cổ tử cung cho kết quả hết sức lạc quan: Tất cả những người được tiêm chủng đã không nhiễm virus HPV (human papilloma virus), nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung. Người ta hy vọng một ngày nào đó, căn bệnh chết người nói trên sẽ được thanh toán, giống như bại liệt và đậu mùa.

Phần lớn các bệnh ung thư đều liên quan tới biến đổi di truyền và yếu tố môi trường. Tuy nhiên, ung thư cổ tử cung lại do HPV gây ra. Virus này lây truyền qua tiếp xúc da, chủ yếu là trong quan hệ tình dục.

Các nhà khoa học tại Đại học Washington đã tiến hành thử nghiệm trên gần 2.400 phụ nữ tuổi 16-23. Họ được chia làm 2 nhóm:

- Nhóm 1 tiêm 3 mũi vacxin.

- Nhóm 2 tiêm thuốc giả (placebo).

Sau thời gian theo dõi khoảng 1 năm rưỡi, 3,8% phụ nữ ở nhóm 2 bị nhiễm VPH trong khi tỷ lệ này là 0% ở nhóm 1. Hàm lượng kháng thể chống VPH ở nhóm được tiêm chủng cũng cao hơn 60 lần so với những người nhiễm bệnh một cách tự nhiên. Hiện còn chưa rõ khả năng bảo vệ của vacxin kéo dài bao lâu.

Vacxin phòng ung thư cổ tử cung nói trên do hãng dược phẩm Mỹ Merck sản xuất, và dự kiến sẽ có mặt ở thị trường sau 5 năm. Tuy nhiên, chế phẩm sinh học này mới nhắm tới một chủng duy nhất là VPH -16, thủ phạm gây ra 50% các trường hợp ung thư cổ tử cung. Vì vậy, để thanh toán triệt để bệnh, còn cần chế tạo vacxin chống được cả các chủng còn lại của VPH (18, 11, 6).

Mỗi năm trên thế giới có 450.000 phụ nữ bị ung thư cổ tử cung và một nửa trong số họ bị chết. Bệnh hiện xếp hàng đầu trong các loại ung thư gây tử vong ở những nước phát triển.

Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y khoa Anh Mới số ra hôm qua.

                                                                                                            Thu Thủy (theo AP, AFP

Bình luận