Hai quả thận người có khoảng 1 triệu đơn vị thận. Dù chúng ta mất 50% số đơn vị này hoặc hiến cho người khác một quả thận nhưng vẫn có thể sống bình thường. Tuy nhiên, khi mất trên số lượng đơn vị thận đó, tình trạng suy thận sẽ bắt đầu. Nếu không thực hiện phương pháp điều trị bảo tồn kịp thời, bệnh nhân có thể phải đứng trước nguy cơ chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống.

Những nguyên nhân cơ bản gây suy thận mạn bao gồm: 40% do đái tháo đường, 30% do tăng huyết áp, 10% do viêm cầu thận, ngoài ra còn do sỏi thận, lupus ban đỏ, bệnh thận bẩm sinh, suy tim,... Suy thận mạn được chia thành 5 giai đoạn theo mức độ tăng dần. Đến giai đoạn nặng, người bệnh phải duy trì sự sống bằng chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận với chi phí tốn kém. Nếu không được điều trị kịp thời, suy thận mạn có thể gây tử vong cao gấp 5 lần so với người bình thường.

Việc điều trị suy thận mạn tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh nhân. Trong giai đoạn sớm, điều trị bảo tồn bao gồm: chế độ dinh dưỡng (giảm muối, ăn nhạt nếu có phù), hạn chế thức ăn nhiều đạm, uống đủ nước mỗi ngày, kết hợp với việc dùng các loại thuốc cải thiện triệu chứng, thuốc điều trị nguyên nhân: kiểm soát đường huyết, huyết áp (nếu có tiểu đường, cao huyết áp,...). Trong giai đoạn cuối của suy thận mạn, cần thiết phải phối hợp giữa điều trị bảo tồn với các biện pháp như: thẩm phân phúc mạc, lọc màng bụng liên tục ngoại trú, ghép thận. Tuy nhiên, những phương pháp này chi phí rất cao, ảnh hưởng lớn tới kinh tế của gia đình bệnh nhân và xã hội. Ghép thận là giải pháp tối ưu, nhưng hiện nay nguồn thận dùng cho phẫu thuật còn hạn chế, chi phí ghép thận cũng như chống thải ghép là rất lớn.


Nguyễn Dũng

 

 

Bình luận