Người bị đái tháo đường có nguy cơ mắc đột quỵ não (ĐQN) cao gấp 2 đến 4 lần so với bình thường. ĐQN gây nhiều hậu quả nặng nề và là một trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong hàng đầu ở bệnh nhân đái tháo đường.

Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến ĐQN ở bệnh nhân đái tháo đường. Trước hết, tỷ lệ tăng huyết áp ở họ cao gấp 1,5 - 3 lần so với người bình thường, khiến áp lực dòng máu đột ngột tăng lên, gây xuất huyết não hoặc tổn thương mạch máu. Khi mạch máu bị tổn thương, hệ thống sợi fibrin (sợi huyết) và các tiểu cầu sẽ đến sửa chữa, hình thành cục máu đông, làm tắc mạch máu, gây đột quỵ nhồi máu não. Mặt khác, hầu hết bệnh nhân đái tháo đường bị tăng cholesterol trong máu, hình thành mảng xơ vữa động mạch và làm lòng mạch hẹp dần hoặc tắc hoàn toàn. Đây chính là những nguyên nhân khiến bệnh nhân đái tháo đường dễ bị ĐQN.

Triệu chứng thường gặp ở người bị ĐQN là đột ngột đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân, giảm thị lực, nói ngọng, yếu hoặc liệt một bên tay, chân,... kèm theo một số dấu hiệu như: buồn nôn, chóng mặt ù tai,.... Khi không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể bị hôn mê, thậm chí tử vong. Nếu sống sót, người bệnh có thể phải chịu hậu quả nặng nề như: tàn phế, liệt, không tự chủ được trong cuộc sống,...

Đối với bệnh nhân đái tháo đường, ngoài việc kiểm soát các yếu tố như đường huyết, cholesterol, huyết áp, chức năng gan, thận,... thì dự phòng, ngăn chặn ĐQN là hết sức quan trọng. Khi đã bị ĐQN nhồi máu não, bệnh nhân thường được chỉ định dùng thuốc chống đông máu, thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc tiêu huyết khối,... Đối với thể xuất huyết não, có thể dùng thuốc cầm máu, chống co thắt như: transamin, nimodipine,... Tuy nhiên, các thuốc này dễ dẫn gây nhiều biến chứng nguy hiểm.


Nguyên Mạn

Bình luận