Ở Việt Nam, đa số bệnh nhân suy thận mạn được chẩn đoán muộn, có tới 67% bệnh nhân đến viện phải lọc máu ngay do bệnh đã ở giai đoạn cuối. Bởi vậy, việc phát hiện sớm suy thận có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, cải thiện chức năng thận, chậm tiến trình suy thận.

Những nguyên nhân cơ bản gây bệnh bao gồm: 40% do đái tháo đường, 30% do tăng huyết áp, 10% do viêm cầu thận, sỏi thận, lupus ban đỏ, bệnh thận bẩm sinh, suy tim và cũng có thể là hậu quả của việc dùng lâu dài thuốc gây độc tính cao với thận.

Triệu chứng của suy thận có thể chỉ xuất hiện khi chức năng thận còn lại 1/10 so với mức bình thường và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Bệnh nhân có một số dấu hiệu như: sưng phù, mệt mỏi, xanh xao, đau đầu, mất ngủ, sau đó là chán ăn, buồn nôn, tiểu nhiều lần, tăng creatinin huyết hoặc protein niệu... Để lâu sẽ dẫn đến các triệu chứng tim mạch, như viêm màng ngoài tim, suy tim, sung huyết và cao huyết áp. Ngoài ra, người bệnh có thể bị thiếu máu, thần kinh mỏi mệt, mất tập trung...

Quá trình suy thận diễn tiến kéo dài, âm ỉ và được chia thành 5 giai đoạn: Giai đoạn 1: thận bị tổn thương, mức lọc cầu thận (GFR) bình thường hoặc tăng nhẹ... Đến giai đoạn 5 là nặng nhất (GFR<15ml/phút), ở giai đoạn này, để duy trì cuộc sống, bệnh nhân phải được chạy thận hoặc ghép thận. Do đó, phát hiện sớm suy thận có ý nghĩa lớn trong việc phòng ngừa bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn.

Việc điều trị suy thận được tiến hành theo hướng điều trị bảo tồn, lọc máu, ghép thận. Xu hướng chung là điều trị dự phòng, làm kéo dài thời gian suy thận nhẹ và vừa. Lọc máu là giải pháp để loại bỏ các chất thải độc hại tích tụ trong máu. Ghép thận là phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, tuy nhiên nguồn thận ghép và chi phí quá cao khiến tỷ lệ bệnh nhân được ghép thận không đáng kể.

Hằng Phương

(Theo Sức khỏe & Đời sống ngày 27/8/2011)

Bình luận