Gần đây, bạn cảm thấy xuống tinh thần, khóc không có lý do, cảm giác buồn phiền và không thể thoát ra khỏi nó. Bạn nghi ngờ đây có phải cảm xúc bình thường mà tất cả mọi người đều trải qua hay đó là biểu hiện của trầm cảm? Vậy khi nào nỗi buồn là triệu chứng của trầm cảm?

 

Khi nào nỗi buồn trở thành triệu chứng của trầm cảm

Khi nào nỗi buồn là biểu hiện của trầm cảm?

Sự buồn phiền kéo dài trên 2 tuần

Cảm xúc buồn phiền là một phản ứng bình thường của con người với cuộc sống, thường diễn ra trong thời gian ngắn, có thể xuất hiện trong vài ngày và sau đó sẽ mất dần đi khi tâm lý ổn định hoặc nhận được sự giúp đỡ của những người xung quanh. Nhưng khi bị trầm cảm thì sự buồn phiền đó sẽ không ngừng và kéo dài. Buồn phiền trở thành biểu hiện của trầm cảm khi nó kéo dài liên tục ít nhất hai tuần.

Sự buồn phiền vô lý

Bạn có thể cảm thấy buồn vì một lý do nào đó, như một sự mất mát hoặc thất vọng, bị mất việc hoặc vừa ly hôn. Điều này là phản ứng bình thường ở một người khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu bạn đang cảm thấy buồn mà không tìm ra một lý do rõ ràng, thì đó có thể là dấu hiệu của trầm cảm.

Nỗi buồn gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày

Bạn vẫn có thể làm việc khi cảm thấy buồn chán. Một sự việc gây cười có thể mang lại nụ cười, tâm trạng của bạn sẽ được cải thiện, ít nhất là trong một vài phút.

Mặt khác, người bị trầm cảm sẽ có cảm giác buồn không giảm đi theo thời gian. Nó ảnh hưởng đến khả năng làm việc, các mối quan hệ, giấc ngủ, thói quen ăn uống, và mọi khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày. Những nỗi buồn bạn cảm thấy  không giảm bớt mà còn nghiêm trọng hơn.

Bạn cũng có những dấu hiệu khác của bệnh trầm cảm

Bên cạnh nỗi buồn, trầm cảm thường đi kèm với một loạt các triệu chứng khác. Không phải tất cả bệnh nhân trầm cảm đều có tất cả những biểu hiện này, nhưng nếu bạn có 5 hoặc nhiều hơn các triệu chứng sau đây, đồng thời kéo dài từ 2 tuần trở lên thì có khả năng đã bị trầm cảm. (Lưu ý: Ít nhất 1 trong 5 triệu chứng phải có sự chán nản hoặc mất hứng thú):

Tâm trạng chán nản, đặc trưng bởi nỗi buồn, trống vắng, hay khóc hoặc dễ bị kích động, xảy ra mỗi ngày.

Giảm đáng kể hứng thú với các hoạt động thường ngày.

Giảm cân (mà không cần ăn kiêng), tăng cân, hoặc có cảm giác thèm ăn.

Rối loạn giấc ngủ: Khó ngủ, mất ngủ hoặc ngủ nhiều.

Bồn chồn hoặc dễ cáu kỉnh.

Mệt mỏi hoặc mất năng lượng.

Cảm giác vô dụng, bất lực, tội lỗi hay tuyệt vọng.

Khó tập trung, suy nghĩ hoặc đưa ra quyết định.

Suy nghĩ đến cái chết hoặc tự tử; có hành vi cố gắng tự tử.

Bình luận