Bệnh gút là hậu quả của lối sống quá dư thừa chất dinh dưỡng. Vì vậy, việc điều trị gút cần kết hợp giữa dùng thuốc và thực hiện chế độ ăn uống khoa học.

Bệnh gút thường xuất hiện ở những người nghiện rượu bia, ăn quá nhiều chất có chứa purin như: phủ tạng động vật, thịt bò, thịt chó... Bên cạnh đó, một số thuốc điều trị các bệnh như: tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ trong máu, xơ vữa động mạch... cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh gút.

Đối tượng mắc gút chủ yếu là nam giới tuổi trung niên. Khi nồng độ axit uric trong máu tăng cao sẽ làm khởi phát cơn gút cấp. Triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân gút là sưng tấy, đỏ phù nề, căng bóng, đau nhức dữ dội ở khớp ngón chân cái, mắt cá chân, bàn chân, đầu gối, cổ tay, khuỷu tay và khớp nhỏ của bàn tay. Nếu không điều trị đúng và kịp thời, gút có thể tiến triển thành mạn tính, thường xuyên tái phát, xuất hiện hạt tophi, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh.

Về điều trị, các thuốc thường được bác sĩ dùng để điều trị bệnh gút như: colchicin, thuốc giảm đau chống viêm không steroid, thuốc hạ nồng độ axit uric trong máu (allopurinol...). Tuy nhiên, những thuốc này có thể gây nhiều tác dụng phụ như: tiêu chảy, dị ứng, độc với gan, thận...


Thu Hương

(Theo Phụ Nữ Việt Nam, ngày 9/9/2011)

 

 

Bình luận