Gút thường gặp ở nam giới trong độ tuổi 30-50. Bệnh không chỉ gây đau đớn mà còn để lại di chứng nguy hiểm.

Theo thống kê, khoảng trên 95% bệnh nhân gút là nam giới. Có nhiều nguyên nhân khiến đấng mày râu dễ bị gút. Trước hết là do mối liên quan chặt chẽ với chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học. Nam giới là đối tượng thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn nhậu nhiều thực phẩm giàu đạm (phủ tạng động vật, thịt, cá, nấm, tôm, cua,...), dẫn tới rối loạn chuyển hóa purin và tăng lượng axit uric trong máu. Bên cạnh đó, nam giới thường dễ mắc chứng béo phì, bệnh tăng mỡ máu, gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch... sẽ làm cho bệnh gút tiến triển nhanh và nặng hơn.

Các triệu chứng đầu tiên ở bệnh nhân gút là đau đột ngột, dữ dội tại một số khớp nhỏ như: khớp ngón chân cái, cổ chân, bàn ngón tay, khuỷu tay. Nếu không được điều trị hợp lý, bệnh có xu hướng tiến triển mạn tính, axit uric ngày càng lắng đọng trong khớp cũng như các tổ chức khác, gây đau, làm tổn thương nhiều khớp. Gút còn gây nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim...

Việc điều trị gút cần theo đúng phác đồ và lâu dài để bệnh không tái phát. Bệnh nhân thường được chỉ định dùng các loại thuốc như: thuốc giảm đau đặc hiệu (colchicin), thuốc hạ nồng độ axit uric máu (allopurinol,...) nhưng chúng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như: loét dạ dày, độc với thận, gan... Bên cạnh đó, người bệnh cần kết hợp thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý để ngăn ngừa cơn gút cấp tái phát.

Lê Dũng

Bình luận