Nguyên nhân khiến axit uric tăng cao ở bệnh nhân gút
Gút là bệnh lý rối loạn chuyển hóa purin làm tăng acid uric trong máu, dẫn đến ứ đọng tinh thể urat tại khớp, gây viêm khớp. Việc áp dụng các biện pháp giảm nồng độ axit uric trong máu sẽ giúp bệnh nhân ngăn ngừa được những biến chứng nguy hiểm do gút.
Axit uric là sản phẩm thoái hóa từ purin có trong các mô của cơ thể. Bình thường, lượng axit uric trong máu được giữ ổn định ở nồng độ dưới 420 micromol/lít với nam và 360 micromol/lít với nữ. Ở những bệnh nhân mắc gút nguyên phát gắn liền với yếu tố di truyền và cơ địa, quá trình tổng hợp purin nội sinh tăng lên cũng tỷ lệ thuận với nồng độ axit uric trong máu. Với trường hợp người bị gút thứ phát, axit uric trong máu tăng bởi một số bệnh như: bệnh về thận (viêm thận mạn tính, suy thận,...), bệnh máu (đa hồng cầu, đa u tủy xương,...) hay do dùng một số thuốc diệt tế bào để điều trị u ác tính,... Đặc biệt, các yếu tố hay gặp nhất (90% bệnh nhân gút) như: ăn nhiều thực phẩm giàu purin (phủ tạng động vật, thịt, cá, nấm, tôm, cua,...), nghiện rượu bia,... dễ dẫn tới rối loạn chuyển hóa purin và tăng lượng axit uric trong máu.
Đặc trưng của gút là những cơn đau dữ dội, sưng, nóng đỏ và khởi phát đột ngột, biểu hiện đầu tiên thường ở khớp ngón chân cái, sau đó lan ra các khớp khác như mắt cá chân, đầu gối, bàn tay, khuỷu tay, cổ tay. Nếu không có chế độ dự phòng và điều trị thích hợp, sự kết tinh axit uric sẽ làm giảm chức năng đệm đỡ của khớp, gây biến dạng khớp, tổn thương thận (sỏi thận, suy thận,...), tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim,...
Các thuốc thường dùng điều trị bệnh gút hiện nay là thuốc hạ axit uric như allopurinol, probenecid, thuốc giảm đau chống viêm không steroid, colchicin,... nhưng có thể gây nhiều tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy, suy thận,... Bên cạnh đó, để việc điều trị đạt kết quả, bệnh nhân gút cần tuân thủ chế độ ăn uống và sinh hoạt đặc biệt.
Lê Dũng
Bình luận