Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm
Theo thống kê, tỷ lệ người trưởng thành bị thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ) khoảng 30%. Nguyên nhân gây bệnh không chỉ do sự lão hóa của cơ thể mà còn bởi nhiều yếu tố khác như: mang vác nặng, chấn thương, bệnh lý cột sống,...
Đĩa đệm nằm ở khe giữa hai đốt sống, gồm có lớp vỏ sợi và nhân nhầy. Nhờ tính đàn hồi, đĩa đệm làm nhiệm vụ như một bộ phận giảm xóc, bảo vệ cột sống khỏi bị chấn thương, có thể cúi ngửa, nghiêng, vặn mình. Sau tuổi 30, cột sống của chúng ta bắt đầu thoái hóa, đĩa đệm không còn tính đàn hồi như trước, nhân nhầy có thể bị khô, vòng sụn bên ngoài bị xơ hóa, rạn nứt và dễ rách. Khi có một lực tác động mạnh vào cột sống, nhân nhầy có thể qua chỗ rách của đĩa đệm thoát vị ra ngoài, chui vào ống sống, chèn ép rễ thần kinh gây đau cột sống. Bên cạnh đó, chấn thương, gù vẹo cột sống, thoái hóa cột sống, gai đôi cột sống,... cũng là những yếu tố thuận lợi gây TVĐĐ.
Tùy theo vị trí bị TVĐĐ mà có những triệu chứng khác nhau. Khi bị TVĐĐ thắt lưng, người bệnh thường có cảm giác đau, tê chạy từ thắt lưng lan xuống hông, mặt sau mông, đùi, chân. Thoát vị xảy ra ở đốt sống cổ sẽ gây ra hội chứng cổ, vai - gáy, nếu ở vùng thắt lưng gây đau dây thần kinh tọa. Trường hợp nặng, TVĐĐ có thể để lại những hậu quả nặng nề như: teo cơ, đại tiểu tiện không tự chủ, liệt, tàn phế,...
Việc điều trị TVĐĐ cần kết hợp chế độ nghỉ ngơi với một số biện pháp như: dùng thuốc giảm đau, tập thể dục nhẹ nhàng, vật lý trị liệu phục hồi chức năng,... Nếu khối thoát vị chèn ép vào dây thần kinh gây biến chứng thì bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật.
Hà Nguyễn
(Theo giadinh.net.vn)
Bình luận