Nguyên nhân đột quỵ ?

Có 2 dạng đột quỵ là đột quỵ dạng nhũn não và đột quỵ dạng xuất huyết não.

Dạng 1- Đột quỵ dạng nhũn não : Đột quỵ dạng nhũn não thường là hậu quả của huyết khối do xơ vữa động mạch. Khi có một mảng xơ vữa trong một động mạch não bị vỡ ra và tại chỗ vỡ xuất hiện cục máu đông gây tắc động mạch, vùng não tương ứng không được tưới máu và sẽ chết. Đôi khi cục máu đông không gây tắc hoàn toàn động mạch não nhưng các mảnh nhỏ từ cục máu đông hoặc từ mảng xơ vữa bong ra, đi theo dòng máu và gây tắc những động mạch nhỏ ở xa trong não.

Đột quỵ dạng nhũn não còn có thể do một cục máu đông từ tim đi theo dòng máu lên não gây tắc một động mạch ở não. Biến chứng này thường gặp ở những người bệnh hẹp van 2 lá.


Dạng 2- Đột quỵ dạng xuất huyết não: Trong dạng này tổn thương não xảy ra là do vỡ một mạch máu trong não, máu tràn ra bên ngoài và chèn ép vào mô não chung quanh. Đột quỵ dạng xuất huyết não thường có biểu hiện nặng hơn đột quỵ dạng nhũn não. Đột quỵ dạng xuất huyết não thường gặp ở người bệnh tăng huyết áp không được điều trị hoặc được điều trị không đúng. Tăng huyết áp lâu ngày sẽ làm cho thành mạch máu não yếu đi và dễ vỡ. Ngoài ra đột quỵ dạng xuất huyết não còn có thể gặp ở những người có dị dạng bẩm sinh của mạch máu não.

Điều trị đột quỵ ?

Trong giai đoạn cấp bệnh nhân phải nhập viện. Trong bệnh viện bệnh nhân sẽ được điều trị tùy theo mức độ nặng của bệnh. Nếu bệnh nhân có rối loạn tri giác hoặc ngưng thở thì phải điều trị trong khoa săn sóc tích cực. Nếu bệnh nhân bị xuất huyết não nặng thì có thể phải phẫu thuật để lấy máu tụ trong não. Trong các trường hợp nhẹ hơn thì điều trị chủ yếu là nâng đỡ như cho thở oxy, truyền dịch, nuôi ăn và xoay trở ngừa loét.

Khi đã qua giai đoạn cấp, bệnh nhân sẽ được điều trị tùy theo nguyên nhân đột quỵ. Mục tiêu của điều trị khi đã qua giai đoạn cấp là ngừa đột quỵ tái phát.

Nếu đột quỵ là hậu quả của huyết khối do xơ vữa động mạch, điều trị hướng đến việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ của xơ vữa động mạch. Cụ thể phải kiểm soát tốt huyết áp (nếu người bệnh có tăng huyết áp), kiểm soát tốt đường huyết (nếu người bệnh có đái tháo đường), kiểm soát tốt cholesterol (nếu người bệnh có tăng cholesterol máu) và người bệnh phải bỏ thuốc lá (nếu đang hút). Các thuốc kháng tiểu cầu uống như aspirin và clopidogrel rất hữu ích trong việc phòng ngừa đột quỵ tái phát.

Nếu đột quỵ là hậu quả của bệnh hẹp van 2 lá thì phải cho người bệnh uống thuốc chống đông máu kéo dài và phải xét chỉ định phẫu thuật, tức là xét việc mổ để thay van 2 lá hoặc sửa van 2 lá.

Nếu đột quỵ dạng xuất huyết não là hậu quả của tăng huyết áp thì phải kiểm soát huyết áp thật tốt, cụ thể phải hạ huyết áp tâm thu xuống dưới 140 mm Hg và huyết áp tâm trương xuống dưới 90 mm Hg.

Phòng ngừa đột quỵ ?

Trong đa số các trường hợp, đột quỵ dạng nhũn não là hậu quả của huyết khối do xơ vữa động mạch nên phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch cũng chính là phòng ngừa đột quỵ.

Cụ thể phải :

- Bỏ thuốc lá (nếu đang hút)

- Điều trị bệnh tăng huyết áp (nếu có) để đưa huyết áp tâm thu xuống dưới 140 mm Hg và huyết áp tâm trương xuống dưới 90 mm Hg

- Điều trị bệnh đái tháo đường (nếu có) để đưa mức đường huyết lúc đói xuống dưới 126 mg/dl

- Điều trị bệnh tăng cholesterol máu để đưa cholesterol LDL (cholesterol có hại) xuống dưới 100 mg/dl

Điều trị tốt bệnh tăng huyết áp cũng giúp phòng ngừa xuất huyết não.

                                                                   Ths BS Hồ Huỳnh Quang Trí, Viện Tim TP Hồ Chí Minh

Bình luận