UXTC là loại u lành tính, thường thấy nhất của tử cung. Trong thai kỳ, khi estrogen của cơ thể tăng cao, UXTC thường to ra do sự tăng sinh các sợi cơ, kể cả mô cơ thường ở thành tử cung. Sau khi sinh xong, nội tiết tố giảm xuống và kích thước khối u cũng giảm từ từ.

Trong lúc có thai, UXTC sẽ mềm đi nhiều. Tuy nhiên, khối u cũng dễ gây một số biến chứng nguy hiểm. Nếu nằm ở vị trí thấp, nó có thể cản trở việc đứa trẻ ra chào đời. U có cuống nằm dưới phúc mạc có thể bị đẩy lên cao trên ổ bụng hoặc chui vào túi cùng Douglas và dễ bị xoắn, bị kẹt trong túi cùng. Biến chứng thường gặp là đau bụng âm ỉ hoặc đau nhẹ, có xuất huyết. Các u nằm trong cơ tử cung dễ bị hoại tử do tắc nghẽn mạch máu nuôi khối u, hoặc do u bị chèn ép không to ra được.
UXTC có thể làm sảy thai liên tiếp do lớp nội mạc tử cung không phát triển đầy đủ hoặc buồng tử cung bị chèn ép... U cũng có thể gây sinh non, dễ làm cho ngôi thai, nhau thai bám ở vị trí bất thường. Những khối u to, nằm ở vị trí tiền đạo có thể làm cho sản phụ không sinh được, phải mổ. Khi sổ nhau, sản phụ dễ băng huyết do sót nhau hoặc tử cung co hồi kém...

Vì vậy, những thai phụ có UXTC cần được theo dõi chặt chẽ trong thai kỳ, phòng ngừa sảy thai, sinh non bằng cách nghỉ ngơi nhiều, dùng thuốc chống co bóp tử cung.
Phụ nữ khi phát hiện UXTC nên được điều trị dứt điểm trước khi có thai. Nếu u xơ chưa có triệu chứng thì bệnh nhân cần thường xuyên khám và siêu âm theo dõi kích thước để có biện pháp điều trị thích hợp. Đối với những khối u nhỏ, bệnh nhân có thể được điều trị nội khoa bằng các thuốc tránh thai, thuốc đồng vận... Phẫu thuật được áp dụng với u có kích thước lớn. Tuy nhiên, dù điều trị nội khoa hay phẫu thuật thì tỷ lệ tái phát cũng khá cao.

 

Hoàng Mai
(Theo Pháp luật và cuộc sống - Ngày 24/6/2011)

 

Bình luận