Thoái hóa khớp (THK) bàn tay đứng thứ tư trong các vị trí THK thường gặp, gây đau và hạn chế vận động, phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh này cao gấp 3 lần so với nam giới.

Nhờ sự khéo léo và linh hoạt, bàn tay là công cụ lao động hiệu quả, đóng vai trò quan trọng trong đời sống của con người. Do thường xuyên phải cử động, nhất là khi thực hiện những công việc như: cầm, nắm, mang vác hay xách đồ vật,... nên bàn tay và các ngón tay dễ bị THK. Nguyên nhân gây bệnh là do lượng máu đến nuôi dưỡng vùng khớp bàn tay giảm sút, sụn bị lão hóa và kém chịu đựng được các yếu tố tác động có hại lên khớp. Đặc trưng của bệnh là cảm giác đau cơ học ở mức độ nhẹ hoặc trung bình. Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể bị cứng khớp kéo dài từ 15-30 phút vào buổi sáng hoặc sau khi nghỉ ngơi. Lúc cử động, bàn tay có tiếng lạo xạo và người bệnh khó thực hiện các động tác. Dần dần, cơ bàn tay bị teo nhỏ, ngón tay có thể bị biến dạng.

THK thường gặp ở người cao tuổi, người phải lao động nhiều bằng chân tay, sau chấn thương, gãy xương, người béo phì, mắc viêm khớp dạng thấp, bệnh gút,.... Theo thống kê, số bệnh nhân bị THK bàn tay là nữ giới chiếm 75%. Do hàng ngày, chị em thường sử dụng đôi tay để thực hiện công việc gia đình như: giặt giũ, chăm con, nội trợ,..., đây là điều kiện thuận lợi cho THK phát triển. Hơn nữa, tình trạng thiếu hụt canxi ở phụ nữ thường diễn ra nhanh hơn khi bước vào giai đoạn mãn kinh nên nguy cơ mắc bệnh cũng tăng lên.

Để điều trị THK bàn tay, bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân dùng các thuốc chống viêm, giảm đau, dãn cơ và thuốc chống THK tác dụng chậm hay nẹp bất động khớp khi quá đau. Tuy nhiên, các thuốc này có thể gây nhiều tác dụng phụ như: loét dạ dày, độc gan thận và cơ quan tạo máu...

Thu Nga

Bình luận