Bên cạnh các yếu tố như lão hóa, chấn thương, di truyền,... thì béo phì cũng là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến thoái hoá khớp. Kinh tế phát triển, ăn uống thiếu khoa học khiến số người bị thừa cân ngày càng nhiều, điều này cũng tỉ lệ thuận với gia tăng trọng tải lên khớp, hậu quả là căn bệnh thoái hóa khớp.

Theo PGS.TS Lê Chí Dũng - Nguyên Chủ tịch Hội chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh, thoái hóa khớp là bệnh lý mạn tính ở khớp và rất hay gặp, khiến người bệnh bị đau nhức, cứng khớp, khó vận động. Đây là bệnh đòi hỏi quá trình điều trị lâu dài.

Theo thống kê, tỷ lệ mắc thoái hoá khớp tăng dần theo tuổi. Bệnh này được phát hiện 12% người ở độ tuổi trên 25 và nhiều nhất là ngoài 50 tuổi. Tuy nhiên, 90% những người lứa tuổi 40 bắt đầu có những biến đổi của đầu xương và sụn khớp, nhưng thường chưa có biểu hiện lâm sàng. Đặc biệt, tình trạng béo phì có quan hệ chặt chẽ với bệnh thoái hoá khớp gối và khớp bàn tay. Nguy cơ thoái hoá khớp gối ở người béo phì tăng gấp 7 lần so với người bình thường. Việc tăng cân quá mức tỷ lệ thuận với sự gia tăng các triệu chứng của bệnh. Giới chuyên môn nhận định, khi cân nặng giảm được 5kg sẽ có khả năng giảm được 50% nguy cơ thoái hoá khớp gối.


Trong nhiều năm qua, việc điều trị thoái hóa khớp chủ yếu là dùng thuốc giảm đau, chống viêm uống hoặc tiêm trực tiếp vào ổ khớp. Các thuốc này đã phát huy được tác dụng giảm triệu chứng đau, làm chậm tiến trình thoái hóa khớp, nhưng nó cũng để lại nhiều tác dụng phụ như viêm loét dạ dày, tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, kích ứng tại chỗ, do vậy phần nào gây ra tâm lý e ngại cho cả bác sĩ và bệnh nhân khi sử dụng lâu dài.


Phương Linh

Bình luận