Viêm khớp dạng thấp (VKDT) là bệnh tự miễn với biểu hiện sưng, đau, cứng khớp buổi sáng, có tính chất đối xứng hai bên. Bệnh thường gặp ở nữ giới (chiếm 75 %), trong độ tuổi từ 30 đến 60.


Bệnh nhân VKDT thường bị viêm đối xứng các khớp nhỏ ở bàn tay, khớp cổ tay, khuỷu tay, đầu gối, cổ chân, bàn chân. Bệnh nhân có cảm giác cứng tại khớp, đặc biệt vào buổi sáng và thường thấy đau đớn, khó hoặc không vận động được. Khi bệnh nặng hơn, khớp có thể bị biến dạng, gây tàn phế. Bên cạnh đó, VKDT còn ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể (tim, thận, phổi), xuất hiện các triệu chứng toàn thân (mệt mỏi, sốt cao, nổi nốt thấp dưới da, kém ăn...)


Để cải thiện bệnh, trong sinh hoạt hàng ngày, bệnh nhân cần tránh đứng hoặc ngồi quá lâu; giữ tư thế thẳng, cân đối khi đứng, đi và ngồi; cầm nắm và cử động bàn tay, ngón tay, xoa bóp các khớp. Bệnh nhân nên đi bộ, nằm giường phẳng và ngủ đủ giấc. Để điều trị VKDT, bệnh nhân có thể được dùng các thuốc giảm đau chống viêm không steroid, corticoid... vật lý trị liệu, nẹp chỉnh hình... Một số khớp sưng, biến dạng quá mức có thể phải phẫu thuật cắt bao hoạt dịch hoặc thay khớp.

 

Quốc Tuấn

(Theo Tin tức- Ngày 23/11/2011)

Bình luận