Viêm thanh quản là bệnh thường gặp và gây khản tiếng, thậm chí mất tiếng, dẫn tới phiền toái trong cuộc sống của bệnh nhân. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị ung thư dây thanh, polyp dây thanh... và cần phải phẫu thuật.

Những người thường xuyên phải nói nhiều, nói lớn, nói liên tục như người dẫn chương trình, giáo viên, ca sĩ, diễn giả, người bán hàng, cổ động viên, người làm việc trong môi trường ô nhiễm... rất dễ bị tổn thương dây thanh âm. Hậu quả là bệnh nhân cảm thấy khản tiếng, khó nói, sốt, đau rát họng và mất tiếng... Bên cạnh đó, các nguyên nhân khác như: hút thuốc lá hoặc uống rượu bia nhiều, tiếp xúc với môi trường lạnh,... cũng dễ dẫn đến khản tiếng, mất tiếng do viêm thanh quản.

Viêm thanh quản có 2 loại: viêm thanh quản cấp và mạn tính. Khởi đầu của viêm thanh quản cấp thông thường là bị viêm mũi - họng xuất tiết. Người bệnh sốt nhẹ, chảy nước mũi, ngạt mũi, người mệt mỏi, họng khô rát, khản tiếng, thậm chí mất tiếng,... Những triệu chứng trên của bệnh thường kéo dài trong vài ngày. Sau đó, các triệu chứng giảm dần, khoảng 7 ngày thì khỏi. Nếu viêm thanh quản cấp tính không điều trị kịp thời sẽ tái phát nhiều lần và sẽ chuyển sang viêm thanh quản mạn tính.

Điều trị viêm thanh quản cấp cần kết hợp các biện pháp chống viêm, chống phù nề, kháng sinh khi có nhiễm khuẩn. Với viêm thanh quản mạn, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh nhân cần tránh các yếu tố kích thích: nói to, nói nhiều, kiêng bia rượu, hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm,... Đồng thời, bác sĩ thường kê cho bệnh nhân dùng các dung dịch muối kiềm như natri, khí dung corticoid để làm giảm triệu chứng. Viêm thanh quản mạn tính để lâu không được điều trị hợp lý có thể dẫn đến hạt xơ dây thanh, pôlip dây thanh, u nang dây thanh. Khi đó, bệnh nhân có thể được chỉ định phẫu thuật. Phát hiện sớm và có hướng điều trị kịp thời sẽ giúp bệnh nhân tránh được nguy cơ phải thực hiện phẫu thuật.

Bình luận