Ở đa số bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, người ta thấy tỷ lệ bị loãng xương cao hơn người bình thường. Phần xương dưới sụn của đầu khớp có thể xuất hiện loãng xương ngay trong giai đoạn đầu của bệnh, về sau xuất hiện các ổ khuyết, cuối cùng xơ hóa và dính hai đầu xương gây tàn phế.


Vì sao bệnh nhân viêm khớp dạng thấp dễ bị loãng xương?


Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, với sự tham gia của nhiều yếu tố như: virus, vi khuẩn, dị nguyên hoặc di truyền. Tình trạng viêm xuất hiện ở các khớp nhỏ tại: bàn tay, cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân, bàn- ngón chân, có tính chất đối xứng hai bên. Khi bị viêm, bệnh nhân thấy sưng, đau, nóng đỏ, có hiện tượng cứng khớp buổi sáng (kéo dài khoảng 1 giờ); khó vận động khớp, kèm theo triệu chứng của các cơ quan khác (biểu hiện tim, thận, phổi...), sốt, kém ăn, suy kiệt. Sau nhiều đợt viêm, khớp có thể bị biến dạng gây tàn phế cho bệnh nhân.


Tình trạng loãng xương được ghi nhận ở đa số ca viêm khớp dạng thấp. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân gây loãng xương là do tác dụng phụ của thuốc kháng viêm dùng để điều trị ở những bệnh nhân này. Tuy nhiên, mức độ loãng xương lại không đồng đều. Phần xương ở gần khu vực khớp viêm thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.


Điều trị viêm khớp dạng thấp


Viêm khớp dạng thấp xảy ra do nhiều yếu tố khác nhau, vì vậy việc dự phòng bệnh thường rất khó khăn. Một số nguyên nhân làm khởi phát hoặc trầm trọng bệnh mà chúng ta cần tránh trong cuộc sống hàng ngày như: stress, chấn thương, môi trường lạnh, ẩm thấp...


Cho tới nay, vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn viêm khớp dạng thấp, tuy nhiên, nếu điều trị kịp thời và đúng cách sẽ ngăn chặn được các đợt sưng viêm tái phát, phòng tránh dính khớp, biến dạng khớp cũng như tình trạng loãng xương khi sử dụng lâu dài các thuốc tây y, người bệnh sẽ có chất lượng cuộc sống gần như bình thường. Tùy theo giai đoạn bệnh tiến triển, bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc điều trị và hướng dẫn chế độ tập luyện phù hợp. Tuy nhiên, các thuốc giảm đau chống viêm điều trị viêm khớp dạng thấp thường gây một số tác dụng phụ như: loét dạ dày tá tràng, độc với gan, thận..., đặc biệt là loãng xương.


Chính vì vậy, hiện nay, phương pháp điều trị được nhiều bác sĩ và bệnh nhân tin dùng là kết hợp thuốc tây với các sản phẩm nguồn gốc thiên nhiên, hiệu quả bền vững, không gây tác dụng phụ khi dùng lâu dài, từ đó giảm dần sự phụ thuộc vào thuốc và tránh được những biến chứng do viêm khớp dạng thấp.


Để hạn chế tình trạng loãng xương do viêm khớp dạng thấp, bệnh nhân cần bổ sung chế độ ăn giàu canxi và vitamin D. Ngoài ra, việc sinh hoạt và tập luyện nhẹ nhàng, đều đặn cũng có ý nghĩa lớn, giúp hạn chế cơn đau cho người bệnh.

Mai Phương

(Theo Sức khỏe và đời sống- Ngày 10/11/2011)

Bình luận