Lao động nặng – Nguyên nhân gây thoái hóa khớp
Bên cạnh các yếu tố tuổi tác và di truyền thì việc thường xuyên lao động nặng cũng là một trong những nguyên nhân góp phần đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp.
Thoái hóa khớp vẫn thường được cho là bệnh của tuổi già. Tuy nhiên, theo các chuyên gia xương khớp, hiện nay, tỷ lệ người trẻ tuổi mắc thoái hóa khớp đang ngày càng gia tăng phần nhiều do lối sống và tính chất công việc. Ở độ tuổi trên 25, tỷ lệ mắc thoái hóa khớp là 12%; trong khi đó, 90% những người lứa tuổi 40 bắt đầu có những biến đổi của đầu xương, sụn khớp.
Lao động nặng kéo dài có thể gây thoái hóa khớp.
Một trong những nguyên nhân góp phần trẻ hóa độ tuổi thoái hóa khớp hiện nay là do quá trình lao động nặng kéo dài. Các nghiên cứu khoa học cho thấy: khi cử động mạnh thường xuyên thì khả năng đàn hồi, chịu lực của sụn khớp bị giảm sút và dễ tổn thương, dẫn tới thoái hóa khớp. Hơn nữa, những chấn thương nhẹ nhưng kéo dài do khuân vác nặng cũng làm đẩy nhanh quá trình phá hủy tại khớp, dẫn tới sụn khớp bị bào mòn, dịch khớp khô và mất dần. Lúc này, các tổ chức xương dưới sụn khớp bị lộ ra, đầu xương cọ xát lên nhau và khớp ngày càng bị tổn thương nặng hơn với biểu hiện đặc trưng là đau, gặp khó khăn khi vận động. Bởi vậy, những người thường xuyên làm các công việc lao động nặng (xây dựng, khuân vác, công nhân, nông dân,…) có nguy cơ cao mắc thoái hóa khớp.
Khi bị thoái hóa khớp, lớp bề mặt của sụn bị khô nứt, xói mòn khiến các tổ chức xương dưới sụn khớp bị lộ ra, đầu xương cọ xát lên nhau và khớp ngày càng bị tổn thương nặng hơn với biểu hiện đặc trưng là sưng tấy, đau nhức. Triệu chứng đầu tiên và dễ nhận thấy nhất của thoái hóa khớp là cảm giác đau tại vị trí khớp bị thoái hóa khi vận động. Sau đó, cơn đau kéo dài âm ỉ và gây nhiều khó khăn cho người bệnh trong sinh hoạt hàng ngày. Đến giai đoạn nặng, người bệnh có thể bị cứng khớp, biến dạng khớp, teo cơ,… và có nguy cơ tàn phế nếu không được chữa trị kịp thời.
Trong điều trị thoái hóa khớp, với trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu (mát - xa, tập vận động khớp,…), khi nặng hơn, có thể dùng nhóm thuốc giảm đau chống viêm không steroid, nhóm corticoid uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp,… nhằm mục đích giảm triệu chứng đau, làm chậm tiến trình thoái hóa khớp. Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ khi dùng lâu dài như loét dạ dày, độc gan, thận và cơ quan tạo máu,... Biện pháp phẫu thuật có thể được bác sĩ chỉ định trong trường hợp bệnh nhân bị hạn chế vận động nhiều, hẹp khe khớp, biến dạng khớp.
Tuấn Minh
Bình luận