Điều trị sớm, đúng phác đồ, kiên trì là những nguyên tắc hàng đầu đối với bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Nếu không được điều trị kịp thời và để dai dẳng, bệnh có thể gây những hậu quả nặng nề, dẫn tới tàn phế.

Bệnh được xếp vào nhóm tự miễn với sự tham gia của nhiều yếu tố như: virus, vi khuẩn; cơ địa (giới tính, tuổi); di truyền... Các khớp bị viêm và hay gặp nhất là: khớp bàn tay- cổ tay, khớp bàn chân- ngón chân..., sưng, đau kéo dài và đối xứng hai bên, có hiện tượng cứng khớp buổi sáng. Viêm khớp dạng thấp có thể để lại di chứng biến dạng khớp, co quắp các ngón tay, ngón chân, hạn chế chức năng vận động, teo cơ và tàn phế (khoảng từ 10-15%).

Khi nghi ngờ mắc viêm khớp dạng thấp, cần xác định phải điều trị sớm, tích cực, lâu dài, liên tục, kết hợp nhiều biện pháp nội - ngoại khoa, vật lý trị liệu, chỉnh hình... Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp thường được điều trị bằng các thuốc giảm đau chống viêm không steroid; thuốc corticoid hay các thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm. Tuy nhiên, cần lưu ý các thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như: loét dạ dày tá tràng, xuất huyết đường tiêu hóa, phù, cao huyết áp...

Thu Hương

(Theo Phụ Nữ Việt Nam ngày 2/9/2011)

 

Bình luận