Kiên trì điều trị viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp thường gặp ở mọi quốc gia trên thế giới, chiếm khoảng 1% dân số. Theo nghiên cứu về tình hình bệnh tật tại khoa Cơ Xương Khớp bệnh viện Bạch Mai từ 1991-2000: viêm khớp dạng thấp chiếm tỷ lệ 21,94% số bệnh nhân tại khoa này, trong đó nữ chiếm 92,3%, chủ yếu rơi vào độ tuổi 36-65 (72,6%).
Bệnh được xếp vào nhóm tự miễn với sự tham gia của nhiều yếu tố như: virus, vi khuẩn; cơ địa (giới tính, tuổi); di truyền... Viêm khớp dạng thấp thường gặp ở các vị trí như khớp cổ tay, khớp bàn ngón tay, cổ chân, đối xứng hai bên... với các biểu hiện tại khớp như: sưng đau, ít nóng đỏ, kèm dấu hiệu cứng khớp buổi sáng. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các biểu hiện toàn thân như: nổi nốt thấp dưới da, viêm mao mạch, viêm gân, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể... Viêm khớp dạng thấp khiến bệnh nhân đau đớn, khó hoặc không vận động được khớp, các khớp có thể biến dạng, dẫn tới tàn phế.
Viêm khớp dạng thấp là bệnh mạn tính kéo dài nên việc điều trị phải kiên trì, liên tục, kết hợp nhiều biện pháp nội - ngoại khoa, vật lý trị liệu, chỉnh hình... Thuốc điều trị bao gồm các thuốc như: thuốc giảm đau chống viêm không steroid, corticoid, thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm. Tuy nhiên, bệnh không thể chữa khỏi mà chỉ có thể giảm triệu chứng, ngăn chặn các đợt tái phát và biến chứng tàn phế, dính khớp, teo cơ... Ở những trường hợp nặng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt bao màng hoạt dịch hoặc thay khớp.
Nguyễn Hằng
(Theo Phụ nữ Việt Nam - Ngày 20/6/2011)
Bình luận