Kiểm soát quá trình suy thận
Ở Việt Nam, hiện có khoảng 8 triệu người bị suy thận mạn, tỉ lệ bệnh nhân mắc căn bệnh này ngày càng gia tăng. Vì vậy, để ngăn ngừa cũng như kiểm soát tốt nhằm làm chậm quá trình suy thận thì bệnh nhân cần được điều trị đúng cách ngay ở giai đoạn đầu.
Nguyên nhân của suy thận chủ yếu do đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận, ngoài ra còn do sỏi thận, lupus ban đỏ, thận bẩm sinh... Suy thận thường diễn tiến kéo dài, âm ỉ và được chia thành 5 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, thận bị tổn thương nhẹ, mức lọc cầu thận (GFR) bình thường hoặc tăng nhẹ... Đến giai đoạn 5 là nặng nhất (GFR<15ml/phút), bệnh nhân phải được chạy thận hoặc ghép thận.
Triệu chứng của suy thận có thể chỉ xuất hiện khi chức năng thận còn lại 1/10 so với mức bình thường. Người bệnh có biểu hiện như: phù, mệt mỏi, xanh xao, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, tiểu nhiều lần, xét nghiệm thấy tăng creatinine huyết hoặc protein niệu...
Việc điều trị suy thận được tiến hành theo xu hướng chung là làm thế nào điều trị dự phòng và kéo dài thời gian suy thận (nhẹ và vừa) càng lâu càng tốt. Đến giai đoạn cuối, bệnh nhân cần chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
Quốc Tuấn
(Theo Tin Tức ngày 16/9/2011)
Bình luận