Sỏi thận (hay còn gọi là sỏi tiết niệu) sinh ra do sự kết dính của muối và khoáng chất trong nước tiểu. Theo thống kê, cứ khoảng 20 người thì có một người bị sỏi trong hệ tiết niệu. Sỏi thận khi không được điều trị kịp thời sẽ gây viêm nhiễm, lâu ngày dẫn tới suy thận.

Sỏi thận kích thước nhỏ, các triệu chứng thường không rõ ràng. Khi sỏi lớn, người bệnh có biểu hiện như: vã mồ hôi, buồn nôn, đau âm ỉ hoặc dữ dội thắt lưng và vùng bụng, tiểu buốt, tiểu ra máu… Những cơn đau và tình trạng tiểu ra máu được giải thích là do các viên sỏi sắc cạnh va chạm vào thận, gây tổn thương. Quá trình này diễn ra càng lâu dài thì nguy cơ suy thận càng lớn.

Để phát hiện sỏi thận, người bệnh có thể tới các cơ sở chuyên khoa làm xét nghiệm nước tiểu, siêu âm hoặc chụp X- quang, chụp UIV hệ tiết niệu… Nếu bị sỏi thận, bệnh nhân cần sớm điều trị để tránh các biến chứng, đặc biệt là suy thận. Tùy theo vị trí, kích thước và tính chất của sỏi để lựa chọn các biện pháp điều trị khác nhau. Sỏi thận với kích thước nhỏ hơn 2cm thường được tán sỏi ngoài cơ thể. Bên cạnh đó, phương pháp mổ lấy sỏi qua da là cách điều trị tương đối an toàn và hiệu quả với sỏi thận có kích thước lớn, giúp giảm nguy cơ dẫn tới suy thận.   

Công Phượng

Bình luận