Tình trạng khản tiếng, mất tiếng do viêm thanh quản gây ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống và công việc của người bệnh. Vì thế, phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể ngăn chặn viêm thanh quản tiến triển sang giai đoạn nặng, cải thiện khả năng phát âm cho bệnh nhân.

Viêm thanh quản xảy ra do rất nhiều nguyên nhân: môi trường ô nhiễm, thời tiết giao mùa, đột ngột chuyển từ môi trường nóng sang lạnh hoặc ngược lại... Đặc biệt, viêm thanh quản thường gặp ở những người do yếu tố nghề nghiệp hay phải nói to, nói nhiều như: giáo viên, ca sĩ, cổ động viên, phát thanh viên, người bán hàng... Ngoài bị khản tiếng, mất tiếng, bệnh nhân viêm thanh quản còn có những triệu chứng khác như: sốt, đau rát cổ họng, ho... Các sự cố về giọng nói gây cho người bệnh nhiều khó chịu và phiền toái trong cuộc sống, thậm chí có người phải nghỉ việc, bỏ nghề mà mình yêu thích.

Để điều trị viêm thanh quản, bệnh nhân có thể sử dụng phương pháp xông, hạ sốt, hoặc dùng thuốc để giảm phù nề và chống nhiễm khuẩn trong trường hợp viêm thanh quản cấp. Bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc nhóm chống viêm corticoid, kháng sinh, nhóm dung dịch chứa muối kiềm natri... Tuy nhiên, các phương pháp này chủ yếu chỉ giảm được triệu chứng tạm thời, vì thế viêm thanh quản dễ tái phát. Mặt khác, bệnh nhân cần lưu ý, các thuốc trên nếu dùng trong thời gian dài có thể gây một số tác dụng phụ, do đó cần được bác sĩ chỉ định. Viêm thanh quản nếu không được chữa dứt điểm sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính, dẫn tới việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Lúc đó, bệnh nhân có nguy cơ phải sử dụng biện pháp phẫu thuật.

Thu Nga

(Theo Sức khỏe & Đời sống ngày 22/10/2012)

 

 

Bình luận