Hạt xơ dây thanh xảy ra do hậu quả từ viêm thanh quản mạn tính. Dấu hiệu của bệnh là khản tiếng, mất tiếng kéo dài. Nếu hạt xơ thanh quản không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể phải phẫu thuật.

GS.TS Ngô Ngọc Liễn – Chủ tịch hội Tai mũi họng Việt Nam cho biết: Những người thường xuyên phải nói nhiều, nói lớn, nói liên tục như giáo viên, ca sĩ, diễn giả, người bán hàng, cổ động viên,... rất dễ bị tổn thương dây thanh, khiến niêm mạc sung huyết, phù nề. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới viêm thanh quản mạn tính, gây khản tiếng, mất tiếng, khó khăn trong giao tiếp, hậu quả là các tổn thương thực thể như hạt xơ dây thanh, u nang dây thanh,...

Triệu chứng thường gặp của hạt xơ dây thanh là khản tiếng do hai dây thanh khép không kín, rung không đều,… Khản tiếng tăng nặng khi người bệnh bị cảm lạnh hay sau mỗi lần la hét, nói nhiều,… Hạt xơ dây thanh ảnh hưởng đến chất lượng rung của dây thanh, gây rè tiếng, tạo khe hở thanh môn, làm cho hơi bị thoát nhiều ra ngoài, nói rất chóng mệt.

Khi bị viêm thanh quản mạn tính, đặc biệt nếu thấy khản tiếng kéo dài trên 3 tuần, bệnh nhân cần tới các cơ sở y tế để được khám và có hướng điều trị vì lúc này rất có thể đã xuất hiện hạt xơ dây thanh. Hiện nay, các thuốc kháng viêm thường được dùng để giảm sưng, giảm phù nề nhưng không thể giải quyết tận gốc viêm thanh quản mạn tính cũng như hạt xơ, mặt khác còn có thể gây một số tác dụng phụ. Nếu hạt xơ to, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân phẫu thuật bóc tách, đồng thời kiêng nói trong một thời gian để thanh quản phục hồi. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần giữ gìn, bởi khản tiếng rất dễ tái phát.

Bình luận