Khản tiếng cảnh báo những bệnh gì?
Tiếng nói bị khản kèm theo sốt, ho, cảm giác vướng, rát sâu trong cổ họng có thể là những biểu hiện của viêm thanh quản (VTQ). Nếu khản tiếng kéo dài, bạn nên đến bệnh viện khám, vì có thể là dấu hiệu của một số bệnh nguy hiểm về thanh quản.
Bình thường, hai dây thanh trong thanh quản đóng mở trơn tru tạo nên tiếng nói trong trẻo. Nếu có chút đờm bám vào một dây thanh, hoặc dây thanh bị sưng, viêm, phù nề... tiếng sẽ bị rè, khản. Khi bị khản tiếng, có thể nghĩ đến một số bệnh lý sau:
- VTQ cấp: Thường gặp lúc thay đổi thời tiết, bị nhiễm lạnh, có thể do uống nhiều rượu bia ... Hai dây thanh bị sưng, phù nề gây khản tiếng, thậm chí mất tiếng. VTQ cấp cần điều trị triệt để, ngăn chặn bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính.
- VTQ mạn: Bệnh xuất hiện khi thanh quản bị kích ứng lâu dài do sử dụng giọng nói nhiều (giáo viên, ca sĩ, phát thanh viên...), do nghiện rượu, thuốc lá, ô nhiễm môi trường, hoặc VTQ cấp tái phát nhiều lần...
- Hạt xơ dây thanh: Thường gặp ở những đối tượng giống như VTQ mạn tính. Biểu hiện là khản tiếng kéo dài. Nguyên nhân do dây thanh phải hoạt động quá mức, khiến các sợi cơ trong dây thanh đứt, tạo thành các hạt nhỏ ở mép dây thanh.
- Ung thư dây thanh: Thường gặp ở người người nghiện rượu và thuốc lá lâu năm.
Việc điều trị khản tiếng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu VTQ cấp, bệnh nhân chỉ cần dùng các thuốc giảm ho, giảm xuất tiết, phù nề và kháng sinh (nếu cần thiết); đồng thời, tăng thể lực, nghỉ ngơi, kiêng nói, bệnh có thể khỏi trong vòng 1-2 tuần. Nếu khản tiếng kéo dài quá 3 tuần thì có thể nguy hiểm, cần đến thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng khám để phát hiện nguyên nhân.
Vân Hà
(Theo Phụ Nữ Việt Nam, ngày 8/8/2011)
Bình luận