Hiện tượng chân tay lạnh giá dù được giữ ấm hay khi thời tiết nóng bức là những triệu chứng bất thường. Vào mùa đông, tình trạng này càng trầm trọng hơn. Vậy cách khắc phục như thế nào?

Nguyên nhân của chứng chân tay lạnh là do tuần hoàn máu trong cơ thể suy giảm, lượng máu ra ngoại vi không được cung cấp đủ oxy, chất dinh dưỡng, nhiệt,... khiến bàn chân, bàn tay của bệnh nhân giá buốt. Theo các chuyên gia y tế, chứng chân tay lạnh thường gặp ở phụ nữ, người già, người ăn uống kiêng khem, kém dinh dưỡng, người thiếu sức đề kháng, hút thuốc lá, uống rượu nhiều,... Ngoài ra, những người có tiền sử mắc bệnh về tim mạch, tiểu đường, huyết áp, suy tuyến giáp, xơ vữa động mạch,... cũng thường bị chân tay lạnh. Biểu hiện của chứng bệnh này là bề mặt da chân, da tay bị tái nhợt hoặc trắng bệch, phù nề đau đớn. Đặc biệt, người mắc chứng chân tay lạnh thường xuyên mất ngủ, giấc ngủ chập chờn, trường hợp nặng có thể gây hoại tử các ngón chân, ngón tay.

Để đẩy lùi chứng bệnh này, người bệnh cần lưu ý trong việc ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, một chế độ ăn uống và vận động hợp lý sẽ giúp bàn tay, bàn chân ấm áp hơn, cụ thể:

- Những thực phẩm giàu calo và chất béo sẽ sản sinh nhiệt lượng sưởi ấm cơ thể. Nên uống nhiều nước giúp khí huyết lưu thông và tuần hoàn tốt hơn.

- Vận động, tập thể dục hợp lý sẽ giúp cơ thể nóng lên, điều tiết tuần hoàn.

- Không nên lúc nào cũng đeo găng, tất, thỉnh thoảng nên tháo chúng ra xoa bóp ngón tay, ngón chân để giúp máu lưu thông tốt hơn. Bệnh nhân cũng cần đặc biệt giữ ấm cơ thể, nhất là đôi chân.

- Ngâm chân bằng nước muối (hoặc pha một ít giọt tinh dầu bạc hà, oải hương) trước khi đi ngủ.

Hà Nguyễn

Bình luận