Thoái hóa khớp (THK) thường gặp ở các khớp chịu lực như: khớp gối, khớp háng, cột sống... Trong đó, THK gối là nguyên nhân hàng đầu gây hạn chế vận động, thậm chí khiến bệnh nhân bị tàn phế.

Triệu chứng của THK gối bao gồm: đau tăng khi vận động, đặc biệt khi chuyển tư thế từ ngồi sang đứng, đi lại, lên xuống cầu thang; cơn đau giảm lúc nghỉ ngơi; người bệnh nghe thấy tiếng "lục khục" trong khớp khi vận động, gấp, duỗi khớp gối. Bên cạnh đó, hiện tượng đau và cứng khớp buổi sáng có thể kéo dài trên 30 phút. Hình ảnh chụp X-quang của khớp gối cho thấy: hẹp khe khớp, kết đặc xương dưới sụn, mọc thêm xương (gai xương, chồi xương). THK gối có thể làm khớp biến dạng, sưng hoặc lệch trục kiểu vòng kiềng hay chữ X, khiến bệnh nhân bị hạn chế vận động.

Bị THK gối hơn chục năm, ban đầu, bác Nguyễn Thị Điểm (Mỹ Đình, Hà Nội) thỉnh thoảng đau khớp gối. Khi bệnh nặng hơn, bác đi lại rất khó khăn: đau lúc lên - xuống cầu thang, đứng - ngồi và tập các động tác "tấn", nghe thấy âm thanh "lục khục" trong khớp... Đặc biệt, những hôm trời lạnh ẩm, hai đầu gối của bác bị sưng và nóng rực. Bệnh khiến bác gặp khó khăn trong vận động, sinh hoạt hàng ngày.

Trong điều trị THK gối hiện nay, với trường hợp nhẹ, bệnh nhân có thể được áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu (mát - xa, tập vận động khớp,...), dùng thuốc giảm đau,... Ở giai đoạn nặng hơn, bác sĩ thường cho bệnh nhân dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid, corticoid uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp gối... nhưng dễ gây tác dụng phụ. Với trường hợp bệnh nhân bị hạn chế vận động nhiều, hẹp khe khớp, biến dạng khớp, các bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật nội soi khớp, đục xương chỉnh trục, thay một phần hoặc toàn bộ khớp gối.

Lê Dũng

Bình luận