Giảm tuổi thọ vì viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp (VKDT) không chỉ ảnh hưởng chức năng vận động của khớp mà còn tác động đến nhiều cơ quan trong cơ thể. VKDT không làm tử vong ngay nhưng có nguy cơ gây tàn phế cao, giảm tuổi thọ và chất lượng sống của bệnh nhân.
Ở giai đoạn khởi phát, VKDT thường bắt đầu sau một số yếu tố như chấn thương, phẫu thuật, nhiễm khuẩn, cảm lạnh, thay đổi nội tiết... Bệnh khởi đầu bằng viêm đối xứng các khớp nhỏ (khớp cổ tay, khớp bàn - ngón tay, khớp ngón tay), sau lan sang các khớp lớn (khớp gối, khớp cổ chân) với biểu hiện: viêm sưng, nóng, đau âm ỉ, cứng và khó vận động khớp vào buổi sáng.
Khi bước sang giai đoạn toàn phát, do hậu quả của viêm màng hoạt dịch nên bắt đầu xuất hiện tổn thương "bào mòn" sụn khớp và đầu xương, gây biến dạng khớp không hồi phục, dính khớp, mất chức năng hoạt động, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. VKDT còn làm giảm tuổi thọ của bệnh nhân, bởi nó không đơn thuần là một bệnh lý tại khớp mà bao gồm nhiều biểu hiện toàn thân, diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề. Tỷ lệ tử vong tăng ở những bệnh nhân bị suy giảm chức năng vận động, người mắc bệnh tim mạch, nhiễm trùng, loãng xương và các bệnh là hậu quả của thuốc kháng viêm không steroid,...Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm VKDT sẽ góp phần ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng.
Phác đồ điều trị cho bệnh nhân VKDT thường là các thuốc giảm đau chống viêm không steroid, corticoid, thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm... nhưng có thể gây loét dạ dày, tăng men gan,... Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể được áp dụng một số biện pháp như: vật lý trị liệu, nẹp chỉnh hình, phẫu thuật...
Quốc Tuấn
Bình luận