Viêm khớp dạng thấp (VKDT) không làm tử vong ngay nhưng có nguy cơ dẫn đến tàn phế rất cao. Bệnh gây ảnh hưởng đến chức năng vận động khớp và giảm sút khả năng lao động của người bệnh.

Theo thống kê, bệnh nhân mắc VKDT trên thế giới chiếm khoảng 1% dân số và thường gặp ở phụ nữ tuổi trung niên. Đây là bệnh tự miễn điển hình với sự tham gia của nhiều yếu tố như: virus, vi khuẩn; cơ địa (giới tính, tuổi); di truyền,... Bệnh hay xảy ra tại những khớp nhỏ như: bàn tay, ngón tay, cổ tay, cổ chân, bàn ngón chân,... đối xứng hai bên. Các khớp bị viêm, sưng, nóng, đau âm ỉ cả ngày, đặc biệt là ban đêm, cứng khớp vào buổi sáng.

VKDT khiến bệnh nhân đau đớn và giảm sút khả năng lao động ngay trong những năm đầu mắc bệnh. Theo các chuyên gia, sau 5 năm bị VKDT thì chỉ 40% bệnh nhân còn khả năng lao động bình thường, 16% bị mất chức năng nghiêm trọng; sau 10 năm mắc VKDT, 40% - 60% số bệnh nhân mất khả năng làm việc, khớp có thể biến dạng, gây tàn phế. Bên cạnh đó, VKDT còn gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể (tim, phổi,...), xuất hiện các triệu chứng toàn thân (mệt mỏi, sốt cao, nổi nốt thấp dưới da,...).

Để điều trị VKDT, bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân dùng các loại thuốc như: thuốc giảm đau chống viêm không steroid, corticoid,... nhưng có thể gây tác dụng phụ tới hệ tiêu hóa, độc với gan, thận,... Khi khớp bị biến dạng, bệnh nhân có thể phải dùng nẹp chỉnh hình, phẫu thuật cắt bao hoạt dịch hoặc thay khớp. Điều trị VKDT cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc, người bệnh và gia đình thì hiệu quả sẽ tăng lên.


Hằng Phương

 

Bình luận