Thoái hóa khớp háng khiến người bệnh đi lại khó khăn do khớp này gánh trọng lượng cơ thể nhiều nhất. Bệnh nhân thường đau vùng bẹn, sau đó lan xuống đùi, đau tăng khi cử động hay đứng lâu, đi khập khiễng. Triệu chứng của thoái hóa khớp háng liên quan đến tình trạng hư sụn khớp và mọc các gai xương. Cơn đau xuất hiện khi đi đứng, chạy nhảy, nếu bệnh nhân hạn chế vận động và nghỉ ngơi thì cơn đau cũng giảm theo. Khi bị thoái hóa nặng, các gai xương có thể gây chèn ép giữa chỏm xương đùi và ổ chảo của khung chậu lúc vận động háng...

Việc điều trị thoái hóa khớp háng hiện nay còn phụ thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ của bệnh. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể dùng các phương pháp điều trị bằng vật lý trị liệu (chườm nóng, chiếu đèn hồng ngoại, dùng máy phát sóng ngắn hay siêu âm, vận động liệu pháp). Khi bệnh nặng hơn, có thể dùng các thuốc giảm đau chống viêm không steroid, corticoid hay các thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm. Mặc dù các thuốc này giúp giảm đau, chống viêm nhanh, nhưng gây ra nhiều tác dụng không mong muốn như: loét dạ dày tá tràng, độc gan thận và cơ quan tạo máu... Ngoài ra, khi tổn thương nặng, mất khả năng vận động, bệnh nhân có thể phải thay khớp, tuy nhiên chi phí rất tốn kém.

 

Thu Nga
(Theo Sức khỏe đời sống - Ngày 16/6/2011)

 

Bình luận