Gai đốt sống là sự phát triển thêm của xương trên thân đốt sống, đĩa sụn hay dây chằng quanh khớp. Bệnh gây đau tại vị trí gai xuất hiện và lan tỏa, đặc biệt, đau tăng khi vận động nên ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, chất lượng cuộc sống của người bệnh.


Gai đốt sống do thoái hóa chiếm phần lớn các trường hợp mắc bệnh. Quá trình lão hóa dẫn đến bào mòn, mất dần lớp sụn lót ở khớp, làm phơi bày xương. Hiện tượng này kích thích sự lắng đọng canxi, hình thành các gai xương, từ đó gây đau, cản trở cử động khớp do tiếp xúc với các dây thần kinh hoặc xương đốt sống.


Bệnh nhân thoái hóa cột sống thắt lưng thường có biểu hiện đau ở vị trí gai, sau đó lan tỏa ra xung quanh, gây cảm giác tê đầu tay, tê chân. Trường hợp nặng có thể gây liệt, mất cân bằng tiểu tiện, yếu cơ...


Hiện nay, thoái hóa xương khớp nói chung cũng như gai đốt sống nói riêng thường nghiêng về điều trị bảo tồn. Trong các đợt cấp của bệnh cần phải sử dụng các thuốc giảm đau chống viêm không steroid, phẫu thuật cắt bỏ gai xương, thuốc giãn cơ, thuốc làm chậm quá trình thoái hóa... Tuy nhiên, những nhóm thuốc này có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như: viêm loét dạ dày- tá tràng, xuất huyết tiêu hóa... Ngoài ra, liệu pháp kích thích bằng điện; chườm nóng, vật lý trị liệu và luyện tập cơ bắp... cũng mang lại hiệu quả nhất định. Trong trường hợp nặng, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân, tuy nhiên, thời gian sau đó, gai xương vẫn có thể mọc lại.

Mai Phương

(Theo Sức khỏe và đời sống- Ngày 8/11/2011)

Bình luận